Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quan ngại tính khả thi trong quy định “cấm” ở lễ tang công chức

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch vừa trình Chính phủ bản dự thảo Nghị định sửa đổi “Quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức”.

(ĐSPL) - Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch (VH-TT&DL) vừa trình Chính phủ bản dự thảo Nghị định sửa đổi “Quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức” với những điều “hạn chế” về số lượng vòng hoa, cửa kính trên quan tài và thậm chí là cấm rải vàng mã...Hiện những vấn đề này đang gây rất nhiều tranh cãi.

Rắc rải vàng mã và “ô kính quan tài”?!

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều vào Nghị định 105/2012 do Bộ VH-TT&DL tiến hành được đánh giá là cần thiết để phù hợp với tiến trình phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên sau khi hoàn thiện, bản dự thảo đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của một số quy định tại Nghị Định này. Trong đó có những hoài nghi về tính khả thi và hợp lý của những quy định như:  “không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”, “không rắc vàng mã và các loại tiền trong quá trình đưa tang”, “các đoàn viếng không mang vòng hoa”...

Bản dự thảo Quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức gặp nhiều tranh cãi.

Phản ứng đầu tiên với dự thảo này là sự không đồng tình của Bộ Tư pháp, yêu cầu bãi bỏ với quy định: “Các tổ chức, đơn vị không sử dụng ngân sách nhà nước và cá nhân đến viếng có thể dùng vòng hoa luân chuyển do Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị”. Đưa ra quan điểm loại bỏ, Bộ Tư pháp cho rằng đây chỉ là những nội dung mang tính khuyến nghị, tính quy phạm thấp.

Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL vẫn bảo lưu quan điểm giữ nội dung này, chỉ tiếp thu trên tinh thần sửa từ “có thể” thành “khuyến khích”. Viện dẫn việc giữ quan điểm về quy định này được Bộ VH-TT&DL cho rằng, đây là một Nghị định xây dựng trên tinh thần Kết luận số 19-TB/TW ngày 22/4/2011 của Bộ Chính trị, có rất nhiều nội dung mang tính khuyến nghị, để “...từng bước, với từng đối tượng ...; hạn chế, từng bước loại bỏ ...phô trương, lãng phí...”  

Trong một nội dung khác, Bộ Tài Chính đưa ra đề nghị bỏ cụm từ : “...tiết kiệm, bảo đảm vệ sinh môi trường...” trong khoản 1, Điều 1 Nghị định sửa đổi, bổ sung sửa đổi khoản 4, Điều 4 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, với lý do đã rắc rải vàng mã thì không thể đảm bảo vệ sinh môi trường và tiết kiệm.

Về vấn đề này, Bộ VH-TT&DL có ý kiến: nhất trí với Bộ Tài chính bỏ cụm từ “bảo đảm vệ sinh môi trường...”, tuy nhiên đề nghị vẫn giữ cụm từ “tiết kiệm”, vì nếu không quy định nội dung này, có những đám tang rắc, rải dọc đường hoặc tại nơi chôn cất rất nhiều vàng mã, gây lãng phí.

Bộ VH-TT&DL đề nghị tổ chức tang lễ “tiết kiệm”, tránh rắc, rải nhiều vàng mã, gây lãng phí.

Trên góc độ quản lý riêng của ngành, Bộ Y tế đưa ra khuyến nghị nên sửa đổi khoản 3, Điều 4 theo hướng: “Khi quàn linh cữu tại Nhà tang lễ hoặc gia đình, tùy theo tình trạng thi hài, phong tục, tập quán, hoàn cảnh và điều kiện của từng gia đình mà sử dụng loại quan tài cho phù hợp. Quan tài phải đảm bảo kín để tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh”. Bộ Y tế cũng đề nghị cân nhắc quy định “Không sử dụng quan tài có lắp ô kính đối với trường hợp chết do dịch bệnh”.

Mặc dù tiếp thu ý kiến của Bộ Y tế nhưng Bộ VH-TT&DL vẫn bảo lưu quan điểm: “...Quan tài phải đảm bảo kín, không sử dụng quan tài có lắp ô kính đối với trường hợp chết do dịch bệnh để tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh”. Lý do được bộ này đưa ra là vẫn nên quy định “Không sử dụng quan tài có lắp ô kính đối với trường hợp chết do dịch bệnh”. Vì nếu không quy định như vậy, người ta vẫn sử dụng quan tài “có gắn ô kính” trên nắp quan tài đối với trường hợp chết do dịch bệnh.

Nhưng thực tế, trước khi đưa đi an táng (địa táng hoặc hỏa táng) đều phải tháo bỏ ô kính (để tránh gây nổ khi hỏa táng hoặc gây thương tích, nhiễm khuẩn khi bốc mộ), như vậy khí độc, vi khuẩn sẽ phát tán ra môi trường, có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Đáng nói, ý kiến của các bộ Tư pháp, Tài chính và Y tế được đưa ra mới đây tại Hội nghị tham vấn các chuyên gia và ý kiến một số Ban, Bộ về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ, do Văn phòng Chính phủ chủ trì.    

Liệu có khả thi và hợp lý?

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, nhiều Luật gia, chuyên gia pháp lý khi được hỏi đều bày tỏ hoài nghi về tính khả thi và hợp lý của những quy định trên. Đa số điều có chung quan điểm không nhất thiết phải đưa ra những quy định quá chi tiết mang tính “áp đặt” cho một nghi lễ mang đậm phong tục tập quán của dân tộc. Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng, trong một văn bản quy phạm pháp luật cần phải thể hiện thái độ, quan điểm dứt khoát cho việc đồng ý hay không bằng các từ như: “cấm” hay “không cấm”, chứ không thể dùng theo tính chất hô hào, khuyến nghị như kiểu: “có thể”, “khuyến khích”...

PGS.TS. Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian cũng cho rằng không nên có quy định quá cụ thể đối với việc sử dụng quan tài có kính đối với người mắc bệnh. Bởi theo ông Lý ai sẽ kiểm tra làm rõ người đang nằm trong quan tài mắc bệnh truyền nhiễm hay không, vì chính người thân trong nhà sẽ tự có trách nhiệm để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe của mình khi bên cạnh thi hài người chết. Ông Lý cũng cho rằng, nếu đã đưa quá cụ thể thì nên lựa chọn “có” hoặc “không” bằng việc cho quan tài “có kính” hay “không có kính”, chứ không nên phân loại sẽ rất khó kiểm soát, mà đã khó thì coi như không khả thi. “Chuyện vỡ kính quan tài, tự thân nhà người ta sẽ lo. Chính sách chỉ nên can thiệp sao cho tiết kiệm và tránh ô nhiễm thôi”, ông Lý nói.

Sau khi nghiên cứu bản dự thảo, Luật sư Tạ Quốc Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) đưa ra nhận xét, việc quy định hạn chế vòng hoa cũng đáng phải bàn. Bởi theo Luật sư Cường, một văn bản quy phạm pháp luật không nên dùng những từ như “khuyến khích”, nó giống như một lời kêu gọi của một bài diễn văn nào đó. Đã là quy định mang tính pháp lý thì nên đưa ra những nội dung rõ ràng: “cho phép” hay “không cho phép”. Vì thế, theo vị Luật sư này nên bỏ quy định nội dung tại khoản 3 Điều 13, 28, 41, 53 có nội dung: “Các tổ chức, đơn vị không sử dụng ngân sách nhà nước và cá nhân đến viếng khuyến khích dùng vòng hoa luân chuyển do Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị”.

“Các cá nhân, đơn vị không dùng ngân sách nhà nước đến viếng luôn tự ý thức được nên mua vòng hoa hay không. Có những người vì thân thiết, việc chi phí thêm 200-300 ngàn đồng mua vòng hoa là điều không đáng nói. Nó còn thể hiện mức độ tình cảm, sự thân thiết của người đến viếng với người quá cố. Vì thế đưa nội dung này vào là thừa và không hợp lý”, vị Luật sư có gần 20 chục năm tranh tụng liên quan đến nhiều bản án hình chính – dân sự nói.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, một tiến sĩ nhân học (xin được ẩn danh tính – PV) cho hay, ông cũng thấy bất cập trong việc quy định: “Không rắc, rải vàng mã đối với Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước”. Bởi theo vị tiến sĩ này, dù là lễ tang cấp nào thì nằm trong linh cữu cũng là con người, cũng sống trong môi trường văn hóa, phong tục tập tập quán dân tộc, nên không thể có chuyện “cấm” với người này mà “không cấm” với người khác.

“Nó cho thấy sự thiếu bình đẳng trong việc đưa ra các quy định, nhất là những quy định mang tính nhậy cảm. Hoặc có thể cấm tất cả, hoặc có thể không cấm, chứ không có chuyện cùng sống trong một xã hội có người bị cấm có người không”, vị này nói.

Nhiều chuyên gia khi được hỏi đều bày tỏ quan ngại tính khả thi ở một số điều của Nghị định sửa đổi, bổ sung này và cho đưa ra kiến nghị cần thiết phải được cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống vì đây là một văn bản pháp luật “chạm” đến một vấn đề tâm linh, nhạy cảm.          

Tin nổi bật