Ngày 24/4, Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine (DIU) cho biết: "Một máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM mang số đuôi 35 đã bốc cháy và thiêu rụi hoàn toàn tại sân bay trung tâm Rostov-on-Don".
Theo Kiev, đây là kết quả của một hoạt động phá hoại chống lại Nga. Cơ quan này ước tính, máy bay bị phá hủy có giá thành 50 triệu USD.
Tuy nhiên, các nguồn tin từ Nga lại cung cấp một câu chuyện khác. Trang Avia.pro cho rằng máy bay bị phá hủy có thể là một chiếc Su-27 cũ đã ngừng hoạt động, chứ không phải mẫu Su-30SM hiện đại.
Ukaine tuyên bố Su-30SM trị giá 50 triệu USD của Nga bị cháy rụi
Căn cứ Rostov-on-Don là trung tâm quan trọng trong mạng lưới phòng không và không quân tại miền nam của Nga, nơi tập kết nhiều máy bay quân sự và hệ thống hậu cần. Nếu tuyên bố của Ukraine là chính xác, việc một chiếc Su-30SM, loại chiến đấu cơ tinh vi trị giá khoảng 50 triệu USD, bị phá hủy trên đất Nga sẽ là tổn thất đáng kể.
Su-30SM
Su-30SM là một trong những xương sống của lực lượng không quân Nga, được đưa vào biên chế từ năm 2012. Đây là phiên bản nâng cấp của dòng Su-30, với 2 động cơ, 2 chỗ ngồi và khả năng tấn công đa nhiệm: chiếm ưu thế trên không, không kích mặt đất và tấn công hải quân.
Được trang bị radar Bars-R có thể phát hiện nhiều mục tiêu trong bán kính hơn 160 km, hệ thống đẩy vector cho khả năng cơ động vượt trội, cùng tải trọng lên tới 8 tấn vũ khí, Su-30SM đã từng tham chiến tại Syria và hiện diện trên nhiều khu vực ở Ukraine.
Dòng Su-30SM
Bên cạnh giá trị tài chính, mỗi chiếc Su-30SM còn đại diện cho một chuỗi hậu cần phức tạp: đào tạo phi công, đội ngũ bảo trì, và hệ thống phụ tùng chuyên dụng. Việc thay thế không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh công nghiệp quốc phòng Nga gặp khó khăn do lệnh cấm vận.
Su-27
Ngược lại, nếu chiếc máy bay bị phá hủy thực chất là một Su-27, mẫu chiến đấu cơ được Liên Xô thiết kế từ những năm 1980, thì thiệt hại sẽ ở mức thấp hơn nhiều.
Su-27 tuy từng là đối trọng với F-15 Eagle của Mỹ nhưng hiện đã cũ, thiếu hệ thống điện tử tiên tiến và khả năng đa nhiệm như Su-30SM. Nhiều chiếc đã bị loại biên hoặc chuyển sang nhiệm vụ phụ trợ.
Một số nhà quan sát cho rằng việc phía Nga để ngỏ khả năng đó là Su-27 có thể là cách nhằm hạ thấp mức độ nghiêm trọng của sự cố, hoặc thậm chí dẫn dắt dư luận theo hướng ngờ vực.
Su-27, mẫu chiến đấu cơ được Liên Xô thiết kế từ những năm 1980
Tu-22M3
Trước đó, hồi đầu tháng 4, Tư lệnh quân đội Ukraine tuyên bố nước này đã phóng UAV tập kích và phá hủy oanh tạc cơ Tu-22M3 Nga, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Cụ thể, Tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky tuyên bố nước này đã nhiều lần tập kích thành công các sân bay quân sự của Nga, khiến đối phương phải di chuyển phi cơ từ những căn cứ cách tiền tuyến 100-150 km đến địa điểm cách chiến tuyến khoảng 200-300 km.
"Chúng tôi đã phá hủy thành công một oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M3 của Nga cách đây vài ngày. Nó bị máy bay không người lái (UAV) đánh trúng khi vừa hạ cánh. Chiếc phi cơ đó có giá khoảng 100 triệu USD", ông Syrsky nói, nhưng không đưa ra bằng chứng hay nêu thêm thông tin.
Oanh tạc cơ Tu-22M3 của Nga.
Liên Xô phát triển dòng oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M từ cuối những năm 1960. Biến thể nâng cấp sâu Tu-22M3 lần đầu cất cánh năm 1977 và biên chế 6 năm sau đó, chủ yếu làm nhiệm vụ tuần tra và sẵn sàng tấn công các biên đội tàu sân bay Mỹ.
Tu-22M3 có phi hành đoàn 4 người, tốc độ tối đa gần 2.000 km/h, tầm bay 6.800 km và bán kính chiến đấu 2.500 km. Máy bay có thể mang theo ba tên lửa diệt hạm siêu thanh Kh-22/Kh-32 với tầm bắn 600 km, 6-10 tên lửa đạn đạo Kh-15 hoặc 4 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.
Ngoài tên lửa, Tu-22M3 có thể mang theo 69 quả bom FAB-250, 18 bom FAB-500, 8 bom FAB-1500 hoặc các loại thủy lôi, tùy thuộc nhiệm vụ.