Ngày 5/2, đại diện Quân đội Nhân dân Trung Quốc đã bày tỏ sự lo ngại về các công nghệ quốc phòng bị phương Tây sao chép.
Khi được yêu cầu bình luận về tình hình hiện nay của nền quốc phòng Trung Quốc, đại diện lực lượng Quân đội Nhân dân nước này cho biết cần xây dựng và củng cố rào cản về quyền sở hữu trí tuệ đối với các phát minh công nghệ và khoa học “như phương Tây đang làm với chúng ta”.
Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh liên tiếp bị Washington và các nước thuộc Liên minh EU cáo buộc đã sao chép nhiều công nghệ mới bằng cách ép các công ty trẻ phải bàn giao lại sáng chế khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, thì lực lượng quân đội nước này lại cho rằng “phương Tây mới là phía đang lợi dụng”.
Người phát ngôn quân đội Trung Quốc cũng đưa ra các số liệu cụ thể trong lĩnh vực này. Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Trung Quốc là quốc gia có số lượng đăng ký sở hữu trí tuệ cao nhất năm 2016, chiếm 38% tổng số bằng sáng chế được cấp. Năm 2017, nước này tiếp tục tăng 3 bậc trong khi Mỹ đã rơi khỏi top 10 của bảng xếp hạng các quốc gia sáng tạo trên tạp chí Bloomberg.
Kính thiên văn vô tuyến bán kính 500m lớn nhất thế giới tại Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: Xinhua |
Nhiều chuyên gia cho biết khó khăn lớn nhất để bảo vệ chất xám và công nghệ liên quan tới an ninh quốc gia - gồm siêu máy tính, máy bay không người lái, tàu chở dầu và công nghệ mô phỏng phóng tên lửa... là các phát minh chủ yếu thuộc về doanh nghiệp tư nhân: "Một số công ty tư nhân, các viện nghiên cứu và cá nhân theo đuổi lợi ích kinh tế hoặc danh tiếng đặc biệt nguy hiểm".
Cảnh báo được đưa ra khi các chính phủ và nhiều tổ chức kinh doanh tại Mỹ và Liên minh Châu Âu ngày càng khắt khe hơn với các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là sau thất bại của tập đoàn điện tử Huawei trong cuộc đàm phán với nhà mạng AT&T của Mỹ dưới áp lực chính trị. Người phát ngôn phía Trung Quốc cho biết: "Luật Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi vẫn còn chậm so với các nước phương Tây và chúng tôi cần nỗ lực rút ngắn khoảng cách này".
Thu Phương (Theo SCMP)