Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quân đoàn 1 thực hành vượt sông sát thực tế chiến đấu

(DS&PL) -

Vừa qua, tại thao trường Sư đoàn 390, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Quân đoàn 1 tổ chức luyện tập tổng hợp vượt chướng ngại nước cho các lữ đoàn binh chủng của Quân đoàn.

Vừa qua, tại thao trường Sư đoàn 390, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Quân đoàn 1 tổ chức luyện tập tổng hợp vượt chướng ngại nước cho các lữ đoàn binh chủng của Quân đoàn.

Trên cơ sở các nội dung tham quan giúp cho các cơ quan chức năng, học viện Nhà trường, đơn vị tiếp tục nghiên cứu thống nhất nội dung giáo trình, phương pháp tổ chức huấn luyện và xây dựng thao trường huấn luyện tổng hợp vượt chướng ngại nước phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Dự và chỉ đạo buổi tham quan tổ chức luyện tập tổng hợp có các đồng chí: Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trương Quang Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tham quan luyện tập tổng hợp của các lữ đoàn binh chủng của Quân đoàn 1 có các đại biểu Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục II, các Quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các học viện, nhà trường trong toàn quân.

Đưa bộ đội vào sát thực tế chiến đấu

Hơn 17h ngày 19/8, các lực lượng tham gia buổi luyện tập tổng hợp vượt chướng ngại nước thuộc Quân đoàn 1 đã hoàn tất công tác chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh. Tại Nam điểm cao 40, các lực lượng của Lữ đoàn Công binh 299 đã ém quân sát bình độ, hoàn tất công tác chuẩn bị cho triển khai ghép cầu bảo đảm vượt cho các đơn vị binh chủng của Quân đoàn. Giờ “G” đã điểm, mặc cho tiếng phi pháo nổ inh tai và máy bay trinh sát của địch quần lượn trên đầu, nhưng khi nhận được lệnh của trên, Binh nhất Hoàng Ngọc Lộc, chiến sĩ Tiểu đoàn 6 cùng các đồng đội nhanh chóng rời vị trí ẩn nấp tiếp nước triển khai nhiệm vụ ghép cầu phao PMP. Dẫu trời tối, phía trước mặt chỉ có tín hiệu xanh đỏ của cờ chỉ huy đơn vị nhưng các đồng chí lái xe chở phà PMP vẫn tự tin lùi xe xuống nước thẳng hướng bến đã được xác định để thả phà.

Trong đêm tối, dưới ánh sáng pháo sáng của địch, bóng cán bộ, chiến sĩ công binh thoăn thoắt thao tác lắp ghép cầu. Cách đó không xa, tại bến vượt, những chiếc xe tăng của Lữ đoàn Tăng 202 khẩn trương tiếp nước vượt sông để thực hiện nhiệm vụ. Sau khi cầu phao ghép và phà hoàn chỉnh, nhận lệnh của trên các phương tiện xe kéo pháo của Lữ đoàn Phòng không 241 và Lữ đoàn Pháo binh 368 lần lượt lên phà, cơ động qua cầu, vượt ngầm làm nhiệm vụ chiến đấu. Cùng với tổ chức cơ động các phương tiện, lực lượng qua cầu, phà, ngầm, ban tổ chức còn ra một số tình huống sát với thực tế trong chiến đấu để các lực lượng xử trí…

Lực lượng công binh 299 thực hành ghép cầu phao PMP.

Mặc dù trời tối, nhưng quan sát bằng các thiết bị nhìn, ghi hình ban đêm do Tổng cục Công nghiệp quốc phòng sản xuất, các đại biểu đã theo dõi toàn bộ diễn biến và hành động chỉ huy, thực hành vượt chướng ngại nước của các lực lượng tham gia luyện tập tổng hợp.

Trực tiếp chỉ huy, điều hành công tác tổ chức huấn luyện và luyện tập, Đại tá Trần Duy Giang, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 1 cho rằng, đây là dịp tốt để rèn luyện nâng cao trình độ tổ chức chuẩn bị vượt sông của chỉ huy, cơ quan các lữ đoàn binh chủng; nâng cao năng lực chỉ huy điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp và hành động của phân đội khi tổ chức thực hành vượt sông trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Thông qua thực hành vượt sông để Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 đánh giá đúng thực chất trình độ tổ chức chỉ huy, kết quả huấn luyện, rèn luyện và nâng cao khả năng sử dụng các phương tiện thực hành vượt sông của các đơn vị binh chủng, kịp thời rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo để nâng cao chất lượng huấn luyện đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Do có sự chuẩn bị chu đáo, luyện tập chặt chẽ nên sau hơn 3 tiếng đồng hồ, các lực lượng tham gia luyện tập tổng hợp đã hoàn thành nội dung, kế hoạch đề ra an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT).

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ tham quan mô hình kính ngắm ban đêm của các loại súng bộ binh.

Kết thúc buổi luyện tập tổng hợp, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã biểu dương, đánh giá cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia, hoàn thành tốt nhiệm vụ luyện tập tổng hợp. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng nhấn mạnh, từ năm 2006 đến nay, Bộ Tổng tham mưu đã tổ chức cho các đơn vị khối binh chủng diễn tập 6 lần. Tuy nhiên, việc tổ chức ở các quân khu, quân binh chủng chưa nền nếp, các thao trường bãi tập thiết kế xây dựng chưa bài bản nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện bộ đội. Trong khi đó, đặc thù khắc phục vật cản nước trong thực tế chiến đấu là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm luôn đòi hỏi bản lĩnh, trình độ của bộ đội trong làm chủ vũ khí trang bị và xử trí các tình huống, nhất là khi đối tượng tác chiến đang triệt để sử dụng các loại vũ khí khí tài công nghệ cao.

Trước yêu cầu thực tế đặt ra, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, học viện, nhà trường, đơn vị trong toàn quân tiếp tục nghiên cứu từ thực tế qua các trận chiến đấu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thực tế hiện nay để biên soạn thành tài liệu chuẩn thống nhất trong toàn quân. Đối với các đơn vị, tiếp tục chủ động nghiên cứu thiết kế xây dựng thao trường huấn luyện tổng hợp phù hợp với đặc điểm địa hình đơn vị, nhưng phải bảo đảm cho các đơn vị binh chủng đều được huấn luyện, luyện tập các nội dung theo quy định. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tiếp tục tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng xây dựng hệ thống thao trường bãi tập huấn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ).

Đồng chí Tổng tham mưu trưởng lưu ý chỉ huy các đơn vị không vì nặng thành tích mà không tổ chức huấn luyện, rèn luyện bộ đội những nội dung khó. Quá trình tổ chức luyện tập tổng hợp và diễn tập, các đơn vị phải tổ chức chuẩn bị chặt chẽ, chu đáo từ con người đến vật chất, thao trường bãi tập, đồng thời dự kiến cả những tình huống xấu nhất, sát với tình huống chiến đấu có thể xảy ra nhưng chú ý phải bảo đảm an toàn cho người và VKTBKT.

Kinh nghiệm rút ra từ công tác huấn luyện vượt sông

Trong hai ngày 19 và 20/8, cùng với tham quan, giới thiệu thao trường và tổ chức phương pháp huấn luyện, luyện tập cho các lữ đoàn binh chủng tại thao trường vượt chướng ngại nước của Sư đoàn 390, các đại biểu còn được tham quan đường lái xe quân sự, doanh trại Trung đoàn 48 và trận địa đại đội pháo phòng không 57mm và sản phẩm kính nhìn đêm của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng sản xuất. Thiếu tướng Võ Văn Cổ, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7 cho rằng, đây là dịp tốt để đại biểu các đơn vị có dịp học tập những kinh nghiệm hay trong công tác tổ chức xây dựng thao trường huấn luyện và tổ chức điều hành huấn luyện lực lượng binh chủng, trên cơ sở đó vận dụng vào điều kiện thực tế ở đơn vị mình.

Xe tăng Lữ đoàn 202 thực hành cơ động lên phà tự hành.

Tại hội nghị rút kinh nghiệm chiều 20/8, dưới sự chủ trì của Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến về nâng cao chất lượng duy trì, điều hành huấn luyện, luyện tập vượt chướng ngại nước và công tác xây dựng thao trường huấn luyện tổng hợp, bảo đảm VKTBKT.

Thông qua việc bảo đảm vũ khí phương tiện cho nhiệm vụ vượt chướng ngại nước của các đơn vị binh chủng Quân đoàn 1, Thiếu tướng Phạm Dũng Tiến, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật cho rằng, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước hết cấp ủy, chỉ huy đơn vị phải làm tốt công tác giáo dục cho bộ đội tin tưởng vào VKTBKT được biên chế. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm hơn nữa đến việc chăm lo bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ và trang thiết bị vượt sông. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thêm các hình thức chiến thuật vượt sông bảo đảm phù hợp với trình độ bộ đội và VKTBKT mới được biên chế.

Theo Thiếu tướng Trần Việt Khoa, Tư lệnh Quân đoàn 1, để đạt được kết quả tốt trong huấn luyện vượt chướng ngại nước, trước hết chỉ huy các cấp phải có quan điểm đúng về vị trí, ý nghĩa của công tác bảo đảm thao trường cho huấn luyện, từ đó làm tốt công tác quy hoạch thao trường huấn luyện ở từng đơn vị. Muốn đạt được điều đó, công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch huấn luyện vượt sông cho các đơn vị binh chủng phải thống nhất. Việc tổ chức và thực hành phải bảo đảm tốt công tác an toàn trong huấn luyện, luyện tập vượt chướng ngại nước. Vì vậy, đơn vị luôn chú trọng công tác bồi dưỡng và điều hành lực lượng làm nhiệm vụ cứu đuối trong quá trình huấn luyện, luyện tập. Đặc biệt là công tác bảo đảm hệ số kỹ thuật cho các VKTB, phương tiện kỹ thuật các binh chủng phải được kiểm tra thường xuyên ở cả trước, trong và sau huấn luyện.

Xe tăng thực hành vượt sông.

“Trong chiến đấu, bảo đảm vượt sông là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp, nguy hiểm vì vậy, thời gian Bộ Quốc phòng cần quan tâm hơn nữa trong đầu tư kinh phí xây dựng thao trường tổng hợp cho các đơn vị và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhất là nhân viên chuyên môn kỹ thuật làm nhiệm vụ lái phà, ô tô… của lực lượng công binh”, Đại tá Phùng Ngọc Sơn, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh đề xuất.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại tá Phạm Ngọc Tính, Phó tham mưu trưởng Quân khu 5 cho rằng, để có được chất lượng huấn luyện tốt, trước hết các đơn vị phải chủ động xây dựng trong công tác quy hoạch, xây dựng thao trường huấn luyện. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng, sát thực tế yêu cầu nhiệm vụ đơn vị rất cần sự quan tâm đầu tư kinh phí bảo đảm, hướng dẫn cụ thể của trên.

Kết luận hội nghị, Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, nhấn mạnh, việc tổ chức xây dựng thao trường tổng hợp và tổ chức huấn luyện cơ động cho xe tăng, pháo binh, pháo phòng không vượt chướng ngại nước là nội dung rất quan trọng trong tác huấn luyện, SSCĐ. Căn cứ vào địa hình cụ thể, các đơn vị triệt để lợi dụng các hồ, đập… để đầu tư xây dựng các thao trường bảo đảm liên hoàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức huấn luyện hàng tuần cho bộ đội đối với cấp đơn vị. Đối với cấp chiến dịch, phấn đấu năm 2017 phải xây dựng được thao trường tổng hợp có bến vượt. Để đạt được mục tiêu trên, đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng yêu cầu các đơn vị thời gian tới tiếp tục chủ động nghiên cứu quy hoạch các thao trường huấn luyện tổng hợp và tổ chức huấn luyện, luyện tập vượt chướng ngại nước bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của toàn quân.

Tin nổi bật