Các quan chức cấp cao Ấn Độ và Trung Quốc đã có cuộc họp đầu tiên ở Bắc Kinh kể từ khi vụ xung đột biên giới tại Doklam diễn ra, Times of India cho hay.
Cuộc gặp gỡ ngày 27/7 giữa Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval được coi là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên kể từ khi căng thẳng tại khu vực biên giới căng thẳng hai nước xảy ra.
Đây là một phần trong cuộc họp nhóm giữa các cố vấn an ninh hàng đầu trong nhóm nước BRICS (gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Ông Dương Khiết Trì đã sắp xếp cuộc gặp riêng lẻ với các cố vấn an ninh trong khối BRICS, trong đó có ông Doval.
Trong khi đó, hãng tin Tân Hoa Xã đánh giá cuộc gặp lần này có thể là một tín hiệu hoà giải trước khi ông Doval gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm nay (28/7). Hai quan chức cấp cao cũng khẳng định “cần phải tăng cường tin tưởng lẫn nhau vì hai nước vốn "không phải sinh ra đã là đối thủ của nhau".
Tân Hoa Xã cũng chính thức đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ tránh khả năng xảy ra chiến tranh. "Hầu hết các nền kinh tế, bao gồm cả phương Tây, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi một cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong thế giới toàn cầu hóa và đan xen vào nhau", bài viết cho hay.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc và Cố vấn An ninh Ấn Độ có cuộc gặp đầu tiên trong bối cảnh căng thẳng biên giới. Ảnh: Times of India |
Trước đó, người phát ngôn chính thức của Trung Quốc đã cáo buộc Ấn Độ xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc và khẳng định tiền đề cho một cuộc hòa giải là Ấn Độ phải rút quân khỏi khu vực tranh chấp. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Tân Hoa Xã lên tiếng, đưa ra cái nhìn khách quan về vụ việc.
"Ấn Độ phải hiểu rằng Trung Quốc mong muốn điều gì tốt cho người Ấn Độ và muốn thấy vai trò vững chắc của Ấn Độ sánh với Trung Quốc", Tân Hoa Xã cho biết.
Mục đích chính thức của Cố vấn an ninh Doval trong chuyến công tác Bắc Kinh là tham dự cuộc đối thoại an ninh của các nước BRICS. Ông dự kiến sẽ thảo luận về cuộc xung đột biên giới với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc họp riêng biệt khác.
Cả hai nước đều đang phát triển nên cần phải hợp tác với nhau trong những vấn đề quan trọng chẳng hạn như chống biến đổi khí hậu, bảo hộ và các đặc quyền tài chính của Washington", Tân Hoa Xã cho biết thêm. "Thay vì trở thành đối thủ, Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều điểm chung, các lợi ích chung và các nguyện vọng chung”.
Cuối bài viết, Tân Hoa Xã khẳng định: "Hy vọng rằng sự khôn ngoan sẽ giúp hai nước đạt được sự thịnh vượng chung, có đủ chỗ cho họ cùng tồn tại và phát triển ở châu Á và trên thế giới”.
(Theo Times of India)