Ngày 8/8, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine và những diễn biến ở Nam Ossetia hồi tháng 8/2008.
"Toàn bộ NATO gần như công khai chống lại chúng tôi. Chúng tôi đủ mạnh để đạt được tất cả mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Cũng giống như tháng 8/2008, đối thủ của chúng tôi sẽ bị loại bỏ và Nga sẽ đảm bảo hòa bình theo các điều khoản của mình. Chiến thắng sẽ thuộc về chúng tôi", ông Medvedev chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Yekaterina Shtukina/AP
Trước đó 1 ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã chỉ trích Mỹ vì phát ngôn cho rằng, Moscow đã bác bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev.
Bà Maria Zakharova cho hay: "Họ biết rõ chính họ đã yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dừng đàm phán vào tháng 4/2022, biết rõ chính họ đã khởi xướng lệnh cấm của chính quyền Kiev về các cuộc trao đổi hòa bình với Nga vào tháng 9/2022 và biết rõ họ đã công khai tuyên bố trong 1 năm qua rằng đây không phải thời điểm để đàm phán nhưng họ vẫn đổ lỗi cho Nga".
Được biết, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller từng nói, hiện không có cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga đang diễn ra do Moscow từ chối tham gia một cuộc đối thoại thực chất về hòa bình.
Bên cạnh đó, bà Maria Zakharova khuyên ông Miller xem lại cuộc phỏng vấn của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 4, trong đó nhà ngoại giao Mỹ nói rằng ông không ủng hộ ý tưởng bắt đầu đàm phán, đồng thời ca ngợi cuộc phản công của Ukraine.
Liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, trang tin Defense Express dẫn thông tin từ chỉ huy của nhóm tác chiến - chiến lược Tavria Oleksandr Tarnavskyi báo cáo rằng ngày 6/8, quân đội Nga đã sử dụng vũ khí hóa học ở khu vực Novodanylivka, tỉnh Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine.
Cụ thể, quân đội Nga được cho là đã tiến hành 2 cuộc tấn công bằng đạn pháo có chứa chất hóa học nhằm ngăn chặn cuộc phản công của quân đội Ukraine. Rất may, không có binh sĩ Ukraine nào thương vong trong vụ việc.
XEM THÊM: Đức sơ tán 13.000 người sau khi phát hiện quả bom sót lại từ Thế chiến II
“Người Nga đang cố gắng làm mọi thứ có thể để ngăn chặn phong trào của chúng tôi. Nhưng họ sẽ không thành công”, ông Tarnavskyi nói nhưng không tiết lộ rõ loại pháo phản lực và kiểu đạn nào đã được quân đội Nga sử dụng trong vụ tấn công.
Theo vị chỉ huy này, chất hóa học được Nga sử dụng có thể là Chloropicrin - một chất lỏng rất dễ bay hơi và không màu với mùi hăng, cay. Chloropicrin có thể gây ra sự kích ứng nghiêm trọng cho da, niêm mạc và mắt gần như ngay lập tức sau khi tiếp xúc. Nếu hít phải chất này, nạn nhân có thể bị sẽ bị tổn thương phổi cũng như các cơ quan nội tạng khác.
Hiện tại, Chloropicrin không còn được phép sử dụng trong quân đội. Việc dùng chất này trong chiến tranh hoặc cho các mục đích xấu bị nghiêm cấm theo các công ước quốc tế về vũ khí hóa học. Việc sản xuất, tàng trữ và sử dụng Chloropicrin, giống như tất cả các loại vũ khí hóa học khác, rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo.
Quân đội Nga hiện chưa lên tiếng về cáo buộc nói trên.
Đinh Kim (T/h)