Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quan chức cấp cao của Nga nêu trường hợp Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Theo ông Sergei Shoigu - Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Moscow có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phải đối mặt với “hành động đối địch”.

Theo báo Tin Tức, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Liên bang Nga TASS hôm 24/4, ông Sergei Shoigu - Thư ký Hội đồng An ninh Nga cho biết, Moscow có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phải đối mặt với “hành động đối địch”.

Theo ông Shoigu, Moscow đang "theo dõi chặt chẽ" "hoạt động chuẩn bị quân sự" của các nước châu Âu, khi họ tìm cách tăng cường chi tiêu và sản xuất quốc phòng trong bối cảnh Mỹ giảm sự hiện diện quân sự của mình trên lục địa này.

"Trong trường hợp các quốc gia nước ngoài thực hiện các hành động đối địch đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga, đất nước chúng tôi coi việc thực hiện các biện pháp đối xứng và không đối xứng cần thiết để ngăn chặn các hành động như vậy và ngăn chặn chúng tái diễn là hợp pháp", ông Shoigu nói.

Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga cũng cho hay: “Răn đe hạt nhân được thực hiện đối với các quốc gia và liên minh quân sự coi Nga là đối thủ tiềm tàng, sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc có năng lực tác chiến đáng kể với các lực lượng thông thường”.

Ông Sergei Shoigu - Thư ký Hội đồng An ninh Nga. Ảnh: TASS

Cũng theo ông Shoigu, bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào trong tương lai của châu Âu được triển khai tới Ukraine để giám sát lệnh ngừng bắn cũng sẽ bị Điện Kremlin coi là hành động khiêu khích.

"Các chính trị gia sáng suốt ở châu Âu hiểu rằng việc thực hiện một kịch bản như vậy có thể dẫn đến một cuộc đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga và sau đó là Thế chiến thứ III", ông chia sẻ.

Báo Dân Trí dẫn thông tin từ Kyiv Independent cho biết thêm, hồi tháng 11/2024, Nga đã cập nhật chính sách răn đe hạt nhân. Theo đó, Moscow có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả hành động chống lại Nga hoặc đồng minh thân cận Belarus bất kể đó là cuộc tấn công phi hạt nhân.

Nga cũng nhiều lần đưa ra cảnh báo hạt nhân với Ukraine và phương Tây kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào đầu năm 2022.

Bất chấp cảnh báo của Moscow, phương Tây tiếp tục ủng hộ Ukraine. Một nhóm do Anh, Pháp dẫn dắt đã lập ra "liên minh tự nguyện" nhằm thảo luận các biện pháp hỗ trợ Kiev hơn nữa, trong đó có kịch bản triển khai lực lượng hòa bình đến Ukraine trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Châu Âu được cho là sẽ gánh vác trọng trách bảo đảm an ninh cho Ukraine hậu xung đột, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có xu hướng giảm dần sự can dự.

Giới chức Mỹ cảnh báo, nước này sẽ rút khỏi nỗ lực trung gian đàm phán hòa bình Ukraine nếu không thấy dấu hiệu rõ rệt nào về khả năng đạt được thỏa thuận giữa Nga và Ukraine.

Kế hoạch hòa bình do Washington đề xuất bao gồm điều khoản công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea và Ukraine không được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tin nổi bật