Thời gian qua, một số đối tượng sau thời gian gây án bỗng nhiên “bị bệnh tâm thần”. Muốn xác định các đối tượng này “bị tâm thần” thật hay giả, phải qua một quy trình giám định rất mất thời gian, tốn công sức.
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, tại sao ngày càng có nhiều trường hợp sau khi phạm tội lại bị bệnh tâm thần?
Theo báo Vnexpress, quen nhau từ khi còn thụ án trong trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên), sau khi ra tù, Phạm Ngọc Duy (40 tuổi, ở Bắc Giang) thường qua lại nhà Hoàng Thế Mạnh chơi. Ngày 13/6/2015, Duy lái ôtô về Hà Nội gặp Mạnh.
Sau khi gửi ôtô, Duy cầm theo túi nylon ma túy đá, treo lên xe máy của Mạnh và bảo mang đến phố Đội Cấn giao cho khách hàng. Tuy nhiên, giao ma túy xong, Duy bỏ đi và không để lại số điện của "đối tác" cho Mạnh liên lạc.
Đến phố Đội Cấn đợi lâu không thấy người tới nhận hàng, Mạnh gọi lại cho Duy, được thông báo đợi đó sẽ có người tới lấy. Đúng lúc đó, cảnh sát kiểm tra hành chính, bắt quả tang Mạnh cùng gói ma túy đá nặng hơn 800 gram.
Không biết Mạnh bị bắt, Duy liên tục điện thoại nhưng không được nên cho rằng bị cướp số ma túy. Anh ta nhắn tin, gọi điện đe dọa gia đình Mạnh và yêu cầu mang trả hàng.
Sau đó, Duy mới biết Mạnh bị công an bắt và cơ quan điều tra ra quyết định truy nã với anh ta. Ngày 12/4/2016, Mạnh bị TAND Hà Nội tuyên phạt tù chung thân tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. Nửa năm sau, Mạnh được cấp phúc thẩm xem xét, giảm còn 20 năm tù.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Giữa tháng 6/2016, Duy bị bắt, song gia đình anh ta cung cấp cho cơ quan điều tra giấy tờ liên quan đến việc bị can mắc tâm thần phân liệt. Trong thời gian lấy lời khai, bị can lầm lì ít nói, không hợp tác với cảnh sát.
Tháng 10/2016, Duy được đưa đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương để theo dõi giám định nội trú. Cơ quan này xác định, bị can Duy tỉnh, hành vi không rối loạn, trí nhớ còn duy trì, nội khoa thần kinh không có gì đặc biệt...
Cuối tháng 11/2016, Viện Pháp y tâm thần Trung ương có kết luận giám định, khi thực hiện hành vi gây án (ngày 13-14/6/2015) và tại thời điểm giám định, bị can Phạm Ngọc Duy không có bệnh tâm thần, đủ khả năng nhận thức. Việc nhập viện tâm thần của Duy chỉ là chiêu trò hòng trốn tội.
Một vụ khác, theo thông tin trên ANTV, tại An Giang, tháng 3/2016, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Giang Quốc Long, trú tại phường 12, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh về tội “mua bán trái phép chất ma túy”.
Theo cáo trạng, ngày 31/3/2015, lực lượng Công an phát hiện bắt giữ Long tại khách sạn thuộc khóm Châu Long 4, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc, thu giữ trong túi xách của Long 5 bọc ma túy đá.
Tiến hành khám xét nơi Long thuê trọ, lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ 02 bọc heroin. Với tổng trọng lượng trên 144 gram.
Trong quá trình điều tra, Long khai nhận: Từ tháng 02 đến tháng 03/2015, Long đã 16 lần mua, bán trái phép chất ma túy cho Trần Phú Quý và Phạm Tấn Lực, tổng số tiền 37 triệu đồng.
Tại phiên tòa, trong suốt quá trình xét hỏi, bị cáo Long giả bệnh tâm thần, im lặng, cố tình từ chối khai báo. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã đưa ra những bằng chứng,chứng minh được hành vi phạm tội cũng như việc giả bệnh tâm thần của bị cáo Long. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Giang Quốc Long 16 năm tù giam về tội “mua bán trái phép chất ma túy”.
Lợi dụng bị bệnh tâm thần để trốn tội là rất nguy hiểm
Theo báo Tuổi trẻ, có thể nói việc lợi dụng bị bệnh tâm thần để “chạy tội”, “chạy án” là rất nguy hiểm. Điều này không những gây ra tình trạng “nhờn luật”, coi thường pháp luật của những kẻ phạm tội, mà cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm, tạo kẽ hở để “chạy án”, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Theo các chuyên gia pháp lý, cơ quan chức năng cần có biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng bệnh tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Theo đó, đối với các vụ án hình sự, nhất là các tội phạm về kinh tế, cần bắt buộc giám định tâm thần với quy trình chặt chẽ, độc lập.
Xử lý nghiêm những người tiếp tay cho việc làm giả hồ sơ, giấy tờ bệnh án theo điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo đó, hành vi làm giả giấy tờ để “chạy bệnh”, “chạy án” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể có thể bị phạt tới 7 năm tù.
Với những trường hợp “đột nhiên”... bị tâm thần, các cơ quan tiến hành tố tụng nên tiến hành giám định lại, thậm chí sử dụng nhiều kênh độc lập khác nhau để kiểm tra, đánh giá mức độ bệnh. Trường hợp đúng là bị bệnh thì đưa đến bệnh viện, trung tâm chữa bệnh tâm thần bắt buộc để chữa trị, không cho phép chăm sóc tại nhà.
Đặc biệt, phải tiếp tục đưa ra xét xử hoặc thi hành án khi khỏi bệnh, tuyệt đối không đình chỉ, cho “chìm xuồng” vụ án.
Đối với trường hợp dùng bệnh án giả để trốn tội thì cần điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những người liên quan, đồng thời coi đây là tình tiết tăng nặng hình phạt đối với bị can, bị cáo.
Một cán bộ điều tra cao cấp thuộc Đội Cảnh sát Hình sự, CAQ Tây Hồ, Công an TP Hà Nội từng cho biết trên báo An ninh Thủ đô: “Tội phạm sau khi gây án xong thì bỗng dưng… “giả điên” hiện nay không hiếm. Chúng tôi từng điều tra một vụ việc đối tượng trước đó là sinh viên năm thứ ba một trường đại học rất thông minh, nhiệt tình tham gia các hoạt động hội khóa của trường. Thế nhưng sau khi gây án anh ta trở thành kẻ điên một cách nhanh chóng. Thủ đoạn này là cách tội phạm tinh vi thường dùng nhằm thoát tội, thường gây không ít khó khăn đối với cơ quan điều tra trong công tác điều tra, xử lý. Với thực tế hiện nay, đề nghị cơ quan chuyên môn cần giám sát chéo các khâu liên quan đến việc giám định bệnh án tâm thần tránh việc để lọt tội phạm gây mất trật tự trị an cũng như không làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật”.
Cự Giải (T/h)