Sputnik đánh giá rằng việc Triều Tiên dừng thử tên lửa đạn đạo suốt 70 ngày qua có thể là vì thời tiết khắc nghiệt hoặc đợi đến đúng Olympic Pyeongchang ở Hàn Quốc.
Đã 70 ngày trôi qua kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo, phá vỡ kỷ lục lâu nhất trong năm 2017. Việc đột ngột ngừng thử nghiệm của Triều Tiên đã khiến các nhà quan sát bối rối.
Trong tháng 8 và tháng 9/2017, Triều Tiên đã có hành vi táo bạo, khiêu khích khi 2 lần phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-12 qua khu vực miền Bắc Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng vượt qua Nhật Bản, và nhiều người đã coi đó như là một dấu hiệu cho thấy nguy cơ xưng đột trên bán đảo Triều Tiên đang đến gần.
Thế nhưng, từ đó đến nay vẫn chưa có thêm sự kiện quan trọng nào xảy ra. Những cuộc khẩu chiến không hồi kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp diễn. Những cuộc tập trận chung Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn được tiến hành như dự định.
Có thể qua mùa Đông Triều Tiên mới tiếp tục thử tên lửa. Ảnh: Sputnik |
Một giả thuyết hàng đầu được các chuyên gia phân tích đưa ra là Triều Tiên gặp phải rào cản lớn khi nghiên cứu, phát triển tên lửa. Dường như họ chưa thể chế tạo đầu đạn hồi quyển hoàn thiện cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khiến chúng bị phá hủy trong quá trình trở lại bầu khí quyển. Nếu không thể sở hữu đầu đạn hồi quyển, tên lửa của Triều Tiên rất khó có thể gây nguy hiểm cho nước Mỹ.
Một giả thuyết khác là Bình Nhưỡng nhận ra rằng họ đang đi quá nhanh trong quá trình chống lại Mỹ và các đồng minh. Nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên do hành động khiêu khích vượt giới hạn, cơ hội chiến thắng hoặc giành kết quả có lợi cho Bình Nhưỡng là rất thấp. Việc triển khai thêm các tài sản quân sự của Mỹ, chẳng hạn như bộ 3 siêu xe tăng vào bán đảo có thể đã phần nào kiềm chế tham vọng của chính quyền ông Kim Jong-un.
Lý thuyết thứ 3 là các biện pháp trừng phạt kinh tế bao trùm lên Triều Tiên do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ((LHQ) đã thành công trong việc ngăn chặn Triều Tiên khỏi những hành động khiêu khích hơn nữa vì sợ nền kinh tế kiệt quệ quá mức.
Triều Tiên cũng có thể chờ đợi cho đến tháng 2/2018 mới thử nghiệm bổ sung vì một vài lý do khách quan khác nữa. Chẳng hạn như điều kiện thời tiết sẽ bắt đầu cải thiện. Bên cạnh đó, 2 cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc cũng đã được lên kế hoạch trong tháng đó.
Ngoài ra, Thế vận hội Mùa đông 2018 ở Hàn Quốc sẽ diễn ra vào tháng 2, một thời điểm mà mọi con mắt của thế giới sẽ ở tập trung vào bán đảo Triều Tiên. Điều này giúp các vụ thử tên lửa của Triều Tiên có ý nghĩa biểu tượng và ảnh hưởng lớn hơn trong cộng đồng quốc tế. Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) hồi đầu tháng 11 này dự đoán Triều Tiên sẽ tiến hành thêm một vụ thử tên lửa đạn đạo nữa trước khi hết năm 2017.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Sputnik)