Tin từ Đội Quản lý thị trường số 24 (QLTT Hà Nội) cho biết, ngay khi nhận được thông tin phối hợp của Công an Quận Bắc Từ Liêm, Đội Quản lý thị trường số 24 đã thực hiện biện pháp nghiệp vụ thẩm tra, xác minh. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 24 đã tiến hành kiểm tra Điểm kinh doanh hàng hóa có địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà Time Coffee, số 117 Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Kết quả tại thời điểm kiểm tra, điểm kinh doanh đang có 12 nhân viên đang thực hiện hoạt động kinh doanh: đăng bài, chốt đơn và đóng gói hàng hóa.
Kiểm tra thực tế hàng hóa tại điểm kinh doanh có: 70 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady hỗ trợ săn chắc vòng ngực (20 viên/hộp), bên ngoài nhãn mác có ghi do công ty TNHH Supharmco sản xuất; 21 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vinslim V3 hỗ trợ tăng cường chuyển hóa chất béo, hỗ trợ giảm béo (20 viên/hộp) ghi do công ty TNHH Thương mại Genix sản xuất; 46 hộp Collagen Firming Sleeping Mark (4ml/gói x 20 gói/hộp) do nước ngoài sản xuất, có nhãn bằng tiếng nước ngoài.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Người này cho biết, đã thuê địa điểm tầng 4, tòa nhà Time Coffee, số 117 Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội để kinh doanh online trên mạng xã hội facebook.
70 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady hỗ trợ săn chắc vòng ngực có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu
Đại diện Công ty TNHH Supharmco khẳng định 70 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe LADY trên không phải là sản phẩm của công ty TNHH Supharmco, công ty cũng không ủy quyền phân phối sản phẩm trên cho chủ số hàng đang được kiểm tra.
Nhận thấy vụ việc kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên có dấu hiệu tội phạm về buôn bán hàng giả là thực phẩm. Đội Quản lý thị trường số 24 đã bàn giao lại toàn bộ hồ sơ vụ việc và hiện trạng hàng hóa tại điểm kinh doanh cho Cơ quan điều tra – Công an quận Bắc Từ Liêm tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 22/5/2023, Đội QLTT số 7 (QLTT Hà Nội) phối hợp Đội cảnh sát ĐTTP về kinh tế và chức vụ - CA huyện Thanh Trì đã kiểm tra điểm kinh doanh thực phẩm chức năng tại địa chỉ: đối diện cổng sau của trường mầm non C, xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Kết quả tại thời điểm kiểm tra, điểm kinh doanh trên đang buôn bán 2.400 hộp Viên nám Glutathion 600, 30 viên/hộp, Lô 011122, NSX: 02/11/2022, HSD: 01/11/2025; 350 hộp Viên nám Glutathion 600, 30 viên/hộp, Lô 010522, NSX: 14/5/2022, HSD: 13/5/2025; 90 vỏ hộp carton có nhãn ghi Viên nám Glutathion 600.
Vỏ hộp carton có nhãn ghi Viên nám Glutathion 600.
Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu là hàng giả sản phẩm Viên nám Glutathion 600 do Công ty cổ phần quốc tế Dopharma chịu trách nhiệm về sản phẩm. Tổng giá trị hàng hóa là 733.700.000 đồng. Đội Quản lý thị trường số 7 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên.
Chủ hàng đã thừa nhận: “Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng giả của Công ty cổ phần quốc tế Dopharma, mua về để kinh doanh và công nhận hành vi vi phạm của mình”.
Công ty cổ phần quốc tế Dopharma xác nhận: “Toàn bộ số hàng hóa mà Đội Quản lý thị trường số 7 tạm giữ là hàng giả, không phải do Công ty Cổ phần Dược phẩm Oishi sản xuất, không phải của Công ty Cổ phần Laciphaco đóng gói và không phải do Công ty cổ phần quốc tế Dopharma là thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm trên thị trường”.
Vụ việc đã được chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra.
Căn cứ Hồ sơ vụ việc, Bộ Luật hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, qua họp thống nhất đường hướng xử lý vụ việc, kết luận vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm. Đội Quản lý thị trường số 7 đã chuyển Đội Cảnh sát ĐTTP về kinh tế và chức vụ - Công an huyện Thanh Trì tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ việc trên để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thu Hà