Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

PV GAS tham dự họp báo cáo Bộ Công Thương và các cấp thẩm quyền về các vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch Quy hoạch Điện VIII

(DS&PL) -

Sáng 25/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.

Tham dự cuộc họp có ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; các Cục, Vụ của Bộ Công Thương và lãnh đạo các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và gần 20 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng. Bộ Công Thương cũng đã mời đại diện các Bộ, ngành: Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham dự. Phía Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) có Tổng Giám đốc Phạm Văn Phong tham dự họp.

 

 Bộ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp. 


Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các Cục, Vụ và PV GAS báo cáo các nội dung chính của dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen, kế hoạch phát triển các dự án điện khí, điện gió theo Quy hoạch điện VIII, những vướng mắc về cơ chế, chính sách cần hoàn thiện để có thể thực hiện mục tiêu mà kế hoạch Quy hoạch điện VIII đề ra và góp ý cho dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen.

Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong trình bày tham luận nêu thực trạng khó khăn trong công tác triển khai các dự án điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII. Với tình hình triển khai các dự án hiện tại và trong bối cảnh còn chưa có các cơ chế chính sách phù hợp, ông Phong đánh giá mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII đặt ra cho điện khí LNG trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 là hết sức thách thức. Cụ thể, đại diện PV GAS trình bày các cơ chế chính sách cần thiết để phát triển điện khí LNG, bao gồm: cơ chế mua LNG linh hoạt, phù hợp thông lệ quốc tế, các quy định về cước phí qua kho, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện... Các nhận định này là kết quả từ các nghiên cứu, đánh giá khách quan của các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín như Lantau, Deloitte khi nghiên cứu về thị trường LNG tại Việt Nam và quốc tế.

 Tổng Giám đốc PV GAS – Phạm Văn Phong báo cáo tại cuộc họp.

 

Về thực trạng cơ sở hạ tầng cho phát triển LNG, Tổng Giám đốc PV GAS chỉ ra rằng cho đến nay Việt Nam mới chỉ có duy nhất kho chứa và cảng nhập LNG tại khu vực Thị Vải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của PV GAS đã được hoàn thành và sẵn sàng cung cấp LNG tái hóa cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ, do đó, có thể thấy hạ tầng nhập khẩu LNG chưa đủ so với yêu cầu đảm bảo mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII. Ngoài ra, việc chưa xem xét để kết nối hạ tầng nhập khẩu LNG và các nhà máy điện sẽ không tối ưu được nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí tài nguyên cảng biển của Việt Nam.

TS. Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Petrovietnam cho biết: Ngoại trừ hydrogen, hiện các lĩnh vực liên quan đến thực hiện kế hoạch Quy hoạch Điện VIII thuộc trách nhiệm của Petrovietnam đều đang được triển khai, tuy nhiên do thiếu các cơ chế chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro rất cao cho nhà đầu tư.

 

 TS. Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Petrovietnam phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đều thống nhất chung ý kiến cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi cũng như hydrogen, đáp ứng yêu cầu của Quy hoạch Điện VIII và xa hơn nữa là các cam kết của Việt Nam tại COP 26, COP 28. Tuy nhiên do các vướng mắc liên quan đến rất nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực…), văn bản quy phạm pháp luật và liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương do vậy cần báo cáo trình Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền cao hơn để có giải pháp kịp thời.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trân trọng cảm ơn và mong muốn đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế - tài chính - năng lượng đầu ngành tại Việt Nam tiếp tục đồng hành, đóng góp ý kiến trong việc tháo gỡ khó khăn để phát triển 2 nguồn điện khí, điện gió ngoài khơi cũng như hydrogen nói riêng và ngành năng lượng Việt Nam nói chung. Bộ Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Chính phủ, trình cấp thẩm quyền cao hơn để có cơ chế, chính sách giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc hiện nay trong khi các Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa sửa đổi được.

Trần Trung

Tin nổi bật