(ĐSPL) - Putin thắng liên quân Obama-Merkel 1-0 và Ukraine đã mất Crimea vì dám xa rời Nga để liên kết với Liên minh Châu Âu.
|
Thủ tướng Đức Angala Merkel chỉ còn mỗi cách kêu trời.
|
Trong bài viết mang tựa đề “Putin -1, Merkel và Obama - 0”, báo Pháp Le Monde viết: Một chiến dịch diễn ra nhanh gọn, hầu như không tốn một phát súng. Cuối tháng 2/2014, lực lượng Nga nắm quyền kiểm soát Crimea; giữa tháng 3, trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga; hoàn tất các thủ tục trong tuần này tại Quốc hội Nga và Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh chính thức sáp nhập Crimea vào Nga. Mỹ và châu Âu tiến hành trừng phạt, nhưng chẳng có tác động gì đối với Tổng thống Nga. Thị trường chứng khoán Moscow có bị rối loạn đôi chút, đồng rúp bị mất giá, nhưng nền kinh tế Nga không bị sụp đổ.
Ở Nga, uy tín của Tổng thống Putin lên đến đỉnh điểm – trên 70\% ủng hộ. Một số nhà đối lập trước đây cũng hoan nghênh về vụ Crimea. Thế vận hội mùa Đông Sochi cũng đã thành công và dư luận Nga tỏ ra dân tộc chủ nghĩa hơn bao giờ hết. Vladimir Putin có lý do để nở nụ cười.
Có hai kẻ bại trận: Barack Obama và Angela Merkel. Nhưng hai nhà lãnh đạo quan trọng nhất của phương Tây đã lầm lẫn nặng nề. Họ làm mọi cách để xoa dịu “gấu Nga” và đã nhượng bộ trước nhiều đòi hỏi của Moscow… mà không hề nhận lại được gì.
|
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G-20. |
Khi vừa mới đặt chân vào Nhà Trắng vào tháng1/2009, Tổng thống Obama đã loan báo một “bước khởi đầu mới” trong chính sách của Mỹ đối với Nga. Moscow có cái nhìn ác cảm trước việc Mỹ định thiết lập lá chắn chống tên lửa tại Ba Lan và Cộng hòa Czech. Ông Obama chẳng bao lâu sau đã từ bỏ dự định này, thay thế bằng một phiên bản thu nhỏ ở Rumani. Tổng thống Mỹ cũng không tìm cách xem xét lại quyết định của NATO năm 2008: bác đơn xin gia nhập của Ukraine và Gruzia.
Tập trung vào việc rút quân Mỹ ra khỏi Iraq và Afghanistan, ông Obama hiểu rõ sự thiệt hại vô cùng lớn lao đối uy tín của Mỹ do các cuộc can thiệp quân sự liên tục ở nước ngoài. Ông đo lường được những giới hạn mà cỗ máy quân sự Mỹ có thể làm cũng như các cuộc chiến tranh này có thể bắt nước Mỹ trả giá như thế nào. Obama là vị tổng thống Mỹ không muốn gắn bó với Châu Âu – mục tiêu truyền thống của Nga. Ông tránh can thiệp quân sự vào cuộc chiến Syria, và chiều theo sáng kiến của điện Kremli về vấn đề giải trừ vũ khí hóa học của Damascus.
|
Thủ tướng Đức cũng đã tỏ ra thận trọng trước tính hay tự ái của người Nga. |
Thủ tướng Đức cũng đã tỏ ra thận trọng trước lợi ích và tính hay tự ái của Nga. Bà Merkel đi theo khuynh hướng truyền thống của ngành ngoại giao Đức đối với Moscow: quan hệ tốt để làm ăn khấm khá.
Nga cung ứng 30\% năng lượng cho Đức và Đức có đến trên 6.000 công ty buôn bán với Nga. Nhờ giới đại gia Nga mà các hãng BMW, Mercedes và Audi ăn nên làm ra. Bà Merkel tự cho là đối tác chính trị phương Tây ưu tiên của ông Putin, hai người nói chuyện bằng tiếng Nga. Bà nghĩ rằng có thể gây ảnh hưởng được với Putin. Trong cuộc khủng hoảng Ukraina, bà là người đầu tiên ngay từ giữa tháng 11 đã nói rằng một hiệp định thương mại giữa Kiev và Brussels không dược làm hỏng quan hệ giữa Ukraine và Nga.
Nếu tổng kết lại mối quan hệ với Nga, Tổng thống Obama chỉ có thể thất vọng. Về các vấn đề Triều Tiên, Syria và Iran, ông toàn vấp phải thái độ thụ động và thường là thù địch của Điện Kremlin.
Bà Merkel mới là người cay đắng nhất. Trước Quốc hội Đức hôm 13/3, bà đã rút ra được kết luận về bốn cuộc điện đàm gần đây nhất với Putin. Bà chỉ trích ông Putin “cư xử theo luật rừng”, “tự đặt mình lên trên nhà nước pháp quyền” và ưu tiên “những quan điểm địa chính trị đơn phương”.
Văn Linh