(ĐSPL) - Ngày 12/1, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo khắc phục hậu quả và làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm 4 người Việt và 1 chuyên gia Thái Lan tử nạn.
Phó Thủ tướng yêu cầu: UBND tỉnh Phú Yên khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các nạn nhân sớm vượt qua đau thương, mất mát, ổn định cuộc sống, theo TTXVN.
Các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến vụ tai nạn, nếu phát hiện có sai phạm thì xử lý theo quy định pháp luật; kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất trên địa bàn về tuân thủ các quy định an toàn lao động, tăng cường thanh tra, kiểm tra đảm bảo không để xảy ra vụ việc tương tự.
Xe cứu thương chở thi thể nạn nhân ra ngoài. - Ảnh: Zing. |
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo và phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên khắc phục nhanh hậu quả vụ tai nạn.
Trước đó, theo Tri Thức Trực Tuyến, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết cơ quan chức năng đang khám nghiệm hiện trường và thi thể các nạn nhân để xác định nguyên nhân có phải là điện giật hay ngạt khí độc.
"Trong 5 nạn nhân tử vong, 4 người ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) và một người Thái Lan", ông Thế nói.
Hiện, khu vực xảy ra tai nạn bị phong tỏa để cơ quan chức năng khám nghiệm. Bước đầu cơ quan điều tra nhận định nhiều khả năng các nạn nhân chết do bị ngạt khí độc trong hầm nước mắm.
Theo báo cáo ban đầu của KCN Hòa Hiệp, trưa 12/1, một công nhân xuống hầm làm nước mắm kiểm tra. Sau đó, khi không thấy người này trở lên, những người bên trên gọi nhưng không thấy trả lời. Thấy vậy, các công nhân lần lượt xuống cứu thì đều bị tử vong.
Bốn công nhân tử nạn đều ở huyện Đông Hòa gồm Nguyễn Văn V. (46 tuổi, ngụ thị trấn Hòa Vinh), Hồ Viết Ng. (36 tuổi, ngụ xã Hòa Thành), Lê Th. (30 tuổi, ngụ xã Hòa Hiệp Bắc), Huỳnh Văn N. (22 tuổi, ngụ xã Hòa Thành). Nạn nhân người Thái Lan là ông Siriphong Phiuphu Khieo (46 tuổi).
Công ty CP Foodtech là doanh nghiệp 100% vốn của Thái Lan chuyên chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Nhà máy của công ty này ở KCN Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa, được đưa vào hoạt động từ năm 2007, đến nay có gần 400 lao động, chủ yếu là người địa phương.
(Tổng hợp)