Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phương Tây "vung tiền như nước", chạy đua giải ngân viện trợ Ukraine: Ván bài tất tay đầy rẫy rủi ro

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Cùng với châu Âu, Mỹ cũng đang sốt sắng tìm cách hỗ trợ đồng minh Ukraine trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden khép lại.

Mỹ gấp rút giải ngân 7,1 tỷ USD cho Ukraine 

Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gấp rút giúp Ukraine đảm bảo có viện trợ để có thể tiếp tục chiến đấu trong cuộc xung đột với Nga vào năm tới.

Ngày 15/11, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, Mỹ sẽ chuyển các gói viện trợ vũ khí đến Ukraine theo tuần. Điều này là cần thiết để đảm bảo số tiền viện trợ còn lại mà Washington dành cho Kiev được chuyển giao trước ngày 20/1/2025.

"Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tích cực thực hiện lời cam kết này, đồng thời xây dựng các gói viện trợ lớn để chuyển đến Ukraine trong thời gian sớm nhất", bà Sabrina Singh nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thư ký báo chí, Lầu Năm Góc đang tích cực bổ sung kho dự trữ để duy trì mức độ sẵn sàng của Mỹ đồng thời đảm bảo Ukraine có đủ nguồn lực cần thiết để thành công trên chiến trường.

Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh. Ảnh: Getty

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, các nước NATO phải tập trung nỗ lực vào việc đảm bảo rằng Ukraine có tiền, đạn dược và lực lượng để chiến đấu hiệu quả vào năm 2025 hoặc có được vị thế mạnh mẽ trên sân đàm phán.

Ông Blinken tiết lộ Washington sẽ thích nghi và điều chỉnh các phương án hỗ trợ thiết bị quân sự cho Ukraine, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đưa Ukraine vào vị thế vững mạnh nhất có thể, bằng cách tăng cường viện trợ từ bây giờ cho đến khi chính quyền Biden hết nhiệm kỳ. Chúng tôi còn phối hợp với nhiều đối tác trên toàn thế giới để đảm bảo họ sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống bất ổn", Reuters dẫn lời  quan chức Mỹ cho biết.

Tuần trước, Lầu Năm Góc xác nhận cam kết của Mỹ về việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Cụ thể, bà Sabrina Singh tuyên bố các gói viện trợ từ kho vũ khí Mỹ và Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) sẽ vẫn hoạt động cho đến khi nhiệm kỳ của chính quyền hiện tại kết thúc.

Hôm 9/11, Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, Lầu Năm Góc đang chuẩn bị gửi tới Ukraine hơn 500 tên lửa đánh chặn cho hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS. Gói viện trợ này dự kiến sẽ đến Kiev trong những tuần tới, sẽ đáp ứng nhu cầu phòng không của Ukraine đến cuối năm nay.

Các bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất đến một căn cứ quân sự ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: Getty

EU đạt bước tiến lịch sử trong vấn đề hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Ngày 14/11, Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên đã tài trợ cho các quốc gia thành viên mua sắm chung vũ khí, bao gồm tên lửa và đạn dược với một phần trong số đó sẽ được gửi đến Ukraine để giúp nước này chống lại các lực lượng của Nga.

Theo EC, khối này đã đầu tư 300 triệu euro (317 triệu USD) để hỗ trợ các nhóm tối đa gồm chín quốc gia thành viên mua các hệ thống phòng không, xe bọc thép và đạn pháo.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng ngân sách EU để hỗ trợ các quốc gia thành viên cùng nhau mua sắm các sản phẩm quốc phòng”, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Margrethe Vestager cho biết và hôm 14/11.

“Điều quan trọng là các dự án được chọn sẽ gia tăng sự hỗ trợ của chúng ta đối với Ukraine, với trang thiết bị quốc phòng bổ sung”, bà Vestager cho biết thêm.

Trước đó, khối này từng tài trợ mua sắm vũ khí để hỗ trợ Kiev chiến đấu chống lại các lực lượng của Liên bang Nga, nhưng việc tài trợ đó được thực hiện ngoài ngân sách của EU, thông qua một công cụ tài chính đặc biệt.

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Những viễn cảnh khó lường

Những nỗ lực của phương Tây diễn ra trong bối cảnh môi trường chính trị ở nhiều nước chuẩn bị có bước ngoặt lớn với nhiều yếu tố khó lường.

Tại Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025. Tỷ phú Mỹ từng nhiều lần tuyên bố sẽ kết thúc xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ mặc dù không đưa ra kế hoạch chi tiết và cụ thể. Chính quyền Ukraine lo ngại, diễn biến này sẽ dẫn tới sự cắt giảm đáng kể hoặc chấm dứt các nguồn viện trợ của họ, như một phần trong nỗ lực đưa Kiev và Moscow vào bàn đàm phán.

Các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, Pháp, Anh, cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro nội tại. Liên minh cầm quyền tại Đức vừa tan vỡ sau khi Thủ tướng Olaf Scholz bãi nhiệm Bộ trưởng Tài chính do bất đồng quan điểm về quản trị ngân sách.

Hồi tháng 10, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Berlin, yêu cầu chính phủ Đức chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Ông Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ kết thúc xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ. Ảnh: CNN 

Về phía Nga, trước việc Mỹ và các nước phương Tây ra sức cung cấp vũ khí cho Ukraine, Moscow  nhiều lần tuyên bố rằng những động thái này sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường và sẽ chỉ làm kéo dài cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trả lời phỏng vấn báo giới vào ngày 1/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo: "Họ đang tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine, với ngày càng nhiều vũ khí hiện đại. Mỹ và các nước phương Tây đang cản trở sự phát triển của chúng tôi. Điều này chỉ khiến quan hệ giữa chúng tôi với họ đang bên bờ vực của cuộc xung đột quân sự trực tiếp".

Giới chức Nga cũng nhiều lần cảnh báo động thái này có thể khiến Mỹ và các nước phương Tây trở thành một bên trong cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Theo quan điểm của Nga, sự chung sống hòa bình giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là Mỹ chỉ có thể đạt được nếu các bên công nhận các lợi ích quốc gia cơ bản của Nga.

Tổng thống Nga Putin từng tuyên bố Nga sẵn sàng khôi phục mối quan hệ chính thức với Mỹ nếu Mỹ bắt đầu tôn trọng các nước khác và tìm kiếm sự thỏa hiệp thay vì giải quyết vấn đề của họ bằng các biện pháp trừng phạt và sức mạnh quân sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT

Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin quan ngại rằng, lời kêu gọi của Nghị viện châu Âu (EP) về việc dỡ bỏ hạn chế đối với Kiev trong sử dụng vũ khí tầm xa có thể “mở đường cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới”.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào đầu năm 2022, Mỹ và các nước phương Tây đã rót hàng tỷ USD vũ khí cho Ucraina. Theo số liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, EU hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine với tổng giá trị viện trợ lên tới 118 tỷ euro kể từ khi xung đột với Nga nổ ra năm 2022. Mỹ đứng thứ hai với 85 tỷ euro, tuy nhiên dòng viện trợ đã giảm xuống chỉ còn 17 tỷ euro trong năm nay, bằng một nửa so với EU.

Tin nổi bật