Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phú Yên: 12 giáo viên thắng kiện được bồi thường hơn 840 triệu đồng

(DS&PL) -

(ĐS&PL) Sáng 19-4, TAND huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) đã tuyên án vụ 12 giáo viên ở huyện này khởi kiện trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng

(ĐS&PL) Sáng 19-4, TAND huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) đã tuyên án vụ 12 giáo viên ở huyện này khởi kiện trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với họ sai luật.

Theo nội dung phiên tòa, ngày 5-9-2011 trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tây Hòa ký hợp đồng đối với 12 người để làm giáo viên giảng dạy các bậc tiểu học và THCS trong thời hạn 1 năm. Hết hạn hợp đồng cũ, phòng ký tiếp hợp đồng lao động thứ hai có thời hạn 3 năm (9-2012 - 9-2015). Tiếp đó, trong các năm 2015 và 2016, khi hợp đồng 3 năm đã hết hạn, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tây Hòa còn ký tiếp với 12 giáo viên này 2 hợp đồng, mỗi hợp đồng có thời hạn 1 năm.

Đến ngày 15-8-2017, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tây Hòa ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động động đối với 12 giáo viên này từ ngày 4-9-2017. Cuối tháng 9-2017, 12 giáo viên này làm đơn khởi kiện trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tây Hòa ra TAND huyện Tây Hòa.

Phiên tòa 12 giáo viên kiện Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa vì chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Trong đơn khởi kiện, các giáo viên yêu cầu trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tây Hòa hủy thông báo chấm dứt hợp đồng, nhận 12 giáo viên vào giảng dạy và ký hợp đồng không xác định thời hạn; trả đầy đủ phụ cấp đứng lớp từ năm 2011 đến năm 2017, nâng bậc lương theo quy định pháp luật; bồi thường tổn thất tinh thần mỗi giáo viên 5 tháng lương cơ bản, riêng cô Trần Thị Thu yêu cầu bồi thường 10 tháng lương cơ bản và 20 triệu đồng tiền điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ vì sẩy thai do quá bức xúc bởi việc bị chấm dứt hợp đồng lao động sai luật.

Lý giải về nguyên nhân chấm dứt hợp đồng, bà Trương Thị Dân - trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tây Hòa - nói rằng phòng chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều giáo viên là vì số học sinh tiểu học và THCS năm học 2017-2018 giảm, giáo viên dôi dư ở một số bộ môn, không còn nhu cầu sử dụng hợp đồng lao động; UBND tỉnh Phú Yên thu hồi 100 biên chế viên chức giáo dục của huyện Tây Hòa…

Bản án nhận xét rằng hai bản hợp đồng lần thứ ba và thứ tư đối với 12 giáo viên dù chỉ ký có thời hạn 1 năm, nhưng mặc nhiên đây là những hợp đồng không xác định thời hạn. Tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với các nguyên đơn, Phòng Giáo dục và đào tạo Tây Hòa không xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định pháp luật. Song, ngày 15-8-2017, phòng ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 4-9-2017  là vi phạm thời hạn báo trước theo quy định Bộ luật lao động.

Do có vi phạm trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng như vậy, tòa tuyên buộc Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tây Hòa trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ khi chấm dứt hợp đồng sai luật đến khi xét xử sơ thẩm là 20 tháng, cộng với 2 tháng lương theo hợp đồng lao động và bồi thường khoản tiền tương ứng trong 25 ngày vi phạm thời hạn báo trước đối với 12 giáo viên.

Trong đó, 4 giáo viên tốt nghiệp hệ cao đẳng được bồi thường tổng cộng hơn 65,1triệu đồng/người; 8 giáo viên tốt nghiệp hệ đại học được bồi thường hơn 72,5 triệu đồng/người. Tổng số tiền phải bồi thường hơn 840 triệu đồng.

Đây cũng chính là mức tiền mà trước phiên tòa, đại diện Phòng Giáo dục và đào tạo Tây Hòa đến từng nhà giáo viên đề nghị nhận để rút đơn khởi kiện và không khiếu nại về sau nhưng cả 12 giáo viên đều không đồng ý.

Tuy nhiên, tòa cho rằng không có cơ sở chấp nhận yêu cầu Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tây Hòa nhận 12 giáo viên này vào công tác và ký hợp đồng không xác định thời hạn. Theo tòa, lý do là kết luận Thanh tra Nhà nước và thực tế cho thấy số giáo viên tiểu học, THCS ở huyện Tây Hòa đang dư thừa nhiều, không còn vị trí việc làm để tiếp tục hợp đồng lao động.

Hơn thế, trong số 12 nguyên đơn có 5 trường hợp không đủ điều kiện dự thi viên chức giáo viên, 6 trường hợp rớt kỳ thi tuyển viên chức giáo viên năm 2015, 1 trường hợp có trình độ chuyên môn không phù hợp với vị trí việc làm.

Tòa cũng tuyên bác yêu cầu đòi bồi thường tổn thất tinh thần của các nguyên đơn vì cho rằng trước khi ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tây Hòa đã họp với các hiệu trưởng yêu cầu thông báo cho giáo viên, đồng thời phòng cũng gặp trực tiếp những người sẽ chấm dứt hợp đồng để thông tin nên không gây tổn thất.

Đối với trường hợp cô Hiền đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng và cô Thu mang thai, tòa nhận xét rằng việc chấm dứt hợp đồng lao động đơn phương của Phòng Giáo dục và đào tạo Tây Hòa là do không còn nhu cầu vị trí việc làm chứ không phải do lao động nữ mang thai hoạc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nên không vi phạm pháp luật.

Riêng yêu cầu của cô Thu đòi bồi thường tổn thất tinh thần 10 tháng lương cơ bản và 20 triệu đồng tiền điều trị bệnh, tòa cho rằng cô Thu nhập viện Bệnh viện Từ Dũ điều trị từ 17-8 đến 22-8-2018 theo dõi thai ngoài tử cung là bệnh lý chứ không có cơ sở nói nguyên nhân bị cho nghỉ việc dẫn đến hư thai.

Sau phiên tòa, các giáo viên cho biết họ sẽ kháng cáo đến tòa phúc thẩm.

Minh Huyền/Sức Khỏe 365

Tin nổi bật