Một trong những nội dung nổi bật tuần qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội chính là vấn đề cải cách bộ máy hành chính. Nhiều ý kiến đóng góp xác đáng đã được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bàn luận, tranh luận sôi nổi trên nghị trường.
ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, trong công cuộc đổi mới và cải cách bộ máy hiện nay phải được thực hiện đồng bộ, tổng thể của cả hệ thống chính trị mà trước hết là bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và cả lực lượng vũ trang chứ không chỉ bộ máy hành chính Nhà nước.
Để xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, phải đổi mới từ cấp trên, từ Trung ương và bộ ngành thay vì bắt đầu từ cơ sở như cách làm của chúng ta lâu nay. Như vậy mới có tính mục tiêu và định hướng để cấp dưới có căn cứ thực hiện.
Về tinh giản biên chế, tin tưởng sẽ thực hiện đúng theo lộ trình, song ông băn khoăn ở khu vực sự nghiệp liên quan đến lĩnh vực giáo dục và y tế.
ĐBQH Cao Đình Thưởng. Ảnh: Quochoi.vn |
“Tôi quan niệm giáo dục, y tế là lĩnh vực trọng yếu mà Nhà nước phải nắm, phải tập trung đầu tư về mọi mặt. Hiện nay, định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, định mức biên chế cho sự nghiệp, các cơ sở y tế Nhà nước phụ thuộc vào quy mô trường lớp và quy mô giường bệnh trong khi biên chế viên chức ở nhiều địa phương trong đó có tỉnh Phú Thọ chiếm tỉ lệ rất lớn, Phú Thọ là 94,2%.
Hiện nay, chúng tôi thiếu 4.624 biên chế giáo viên, 737 biên chế sự nghiệp y tế so với định mức giao sau khi nghiên cứu rất kỹ. Cho nên việc ấn định tỉ lệ tinh giản tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp từ năm 2015 đến năm 2021 sẽ khó thực hiện cho địa phương”, ông nói.
Vị ĐBQH tỉnh Phú Thọ lấy dẫn chứng cho điều này, Phú Thọ cứ 4 cháu mầm non dưới 3 tuổi thì có 3 cháu không được đến nhà trẻ, nhóm trẻ hoặc ở tiểu học rất nhiều trường sĩ số đã đội lên con số trên 50 học sinh/lớp, thậm chí trên 55 học sinh/lớp.
“Điều này là rất bất cập, trong khi đó chúng ta đang thiếu giáo viên. Vì vậy, tôi đề nghị cần nghiên cứu tỉ lệ tinh giản đối với đối tượng được tinh giản, các thành phần khác cho phù hợp nhất là đối với sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp y tế”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, một trong những bất cập khó khăn của việc tinh giản biên chế là công tác đánh giá, phân loại cán bộ chưa sát thực chất nên không có cơ sở đưa vào diện tinh giản biên chế để cho thôi việc, hưởng chế độ chính sách. Số đối tượng thuộc diện tinh giản thực chất phần lớn là những cán bộ công chức sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu.
“Về vấn đề này tôi đề nghị cần đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ, đồng thời rà soát công tác cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương trong việc quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức để tránh việc ngồi nhầm chỗ, tuyển nhầm người.
Nếu theo lộ trình đến năm 2030 chúng ta phải giảm tối thiểu 30% so với hiện nay thì nhiều vấn đề đặt ra trong đó có việc cho ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ đi đôi với việc tuyển chọn bổ sung cán bộ trẻ, có đức, có tài vào cơ quan Nhà nước.
Còn nếu chỉ giảm mà không tuyển dụng mới thì phải xem xét lại công tác đào tạo ở các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục hiện nay xem để tồn tại như thế nào. Nếu cứ đào tạo ồ ạt như hiện nay sẽ tạo ra sự lãng phí rất lớn, sinh viên sẽ đi đâu, về đâu sau khi ra trường”, vị ĐBQH tỉnh Phú Thọ nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) cho rằng: “Giáo viên, bác sĩ là những người chuyên môn sâu, nếu thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế như các đơn vị khác là rất khó khăn cho các đơn vị này trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn”.
ĐBQH Dương Minh Tuấn (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ: “Tinh giản biên chế không có nghĩa là tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải giảm. Đề nghị xem xét không giảm biên chế đối với một số ngành đặc thù như bác sĩ, giáo viên”.
Rõ ràng, vấn đề tinh giản biên chế hiện nay có rất nhiều khó khăn, thách thức. Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016 cũng chỉ rõ: Tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (mới đạt 0,83%). Điều này đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa ở các cấp, ngành để chỉ tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế đến năm 2021 mà Bộ Chính trị đã đề ra.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP.HCM) bày tỏ lo ngại: “Cần đột phá trong tinh giản bộ máy cán bộ, công chức, có biện pháp đồng bộ, hợp lý nhưng kiên quyết vì cỗ xe hành chính đã sắp chết máy vì chở quá nhiều người, chở quá nặng và sẽ hết xăng”.
Dương Thu