(ĐSPL) - Các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn gấp nhiều lần, cơ quan chức năng liên tục ban hành quyết định xử phạt và ra “tối hậu thư”, thế nhưng, doanh nghiệp vẫn cố tình phớt lờ. Việc xả thải vô tội vạ đe dọa nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Đất bỏ hoang vì ô nhiễm
Theo phản ánh của người dân ở hai thôn Dầu Sơn và Cây Xoài, thuộc địa phận xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, từ nhiều năm nay, bà con phải sống chung với tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước do hai cơ sở sản xuất chitin (chế biến phế liệu thủy sản –PV) gây nên.
Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, hai doanh nghiệp sản xuất chitin do ông Nguyễn Văn Dưỡng và Trần Sâm (cùng thuộc xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) đã đua nhau xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Ông Nguyễn Đình Văn (51 tuổi, trú thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân) trình bày với PV, hai doanh nghiệp đóng trên địa bàn chủ yếu chế biến chitin từ vỏ tôm, đầu tôm, cua... Hàng ngày sử dụng một lượng lớn nước sản xuất tuy nhiên lại không có hệ thống xử lý nước thải bài bản.
Các bàu sen bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. |
Dòng nước thải đen ngòm cứ vài ngày lại đổ xuống kênh, mương nổi váng đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Đi đâu cũng phải mang khẩu trang, bịt mặt kín mít để chống chịu với mùi hôi thối bốc lên từ hệ thống kênh mương. Đặc biệt, mỗi khi có gió thì mùi hôi bốc lên, xộc thẳng vào nhà dân không ai chịu thấu...
Không chỉ người dân xã Suối Tân “lãnh đạn” vì nước thải mà các hộ dân ở các xã liền kề cũng chịu chung số phận. Hộ ông Nguyễn Văn Liếc (49 tuổi, trú thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) có hơn 20.000m2 ao dùng để trồng sen, thế nhưng hiện tại phần lớn đành bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, chỉ có một phần nhỏ duy trì nhưng năng suất chẳng được bao nhiêu. Trước đây, mỗi vụ thu hoạch cả trăm triệu đồng nhưng nay may mắn lắm cũng chỉ được 2, 3 triệu đồng, chẳng bù tiền công...
“Thách thức” cả dân lẫn chính quyền
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Khuê, Chủ tịch UBND xã Suối Tân khẳng định: “Doanh nghiệp sản xuất chitin do ông Nguyễn Văn Dưỡng và Trần Sâm làm chủ có giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, quy trình sản xuất xử lý nước thải của cả hai doanh nghiệp này đều không đáp ứng được quy chuẩn về môi trường. Hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo yêu cầu. Mặc dù chính quyền địa phương và UBND huyện Cam Lâm đã nhiều lần vào cuộc kiểm tra, mời đại diện doanh nghiệp làm việc và yêu cầu cam kết không tái phạm. Thế nhưng, các doanh nghiệp không những không khắc phục mà còn cố tình phớt lờ”.
Song song với quyết định xử phạt hành chính, UBND huyện Cam Lâm tiếp tục ra “tối hậu thư” yêu cầu doanh nghiệp đến hết năm 2016 phải giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm trên địa bàn. Tuy nhiên, cả hai cuộc khảo sát lấy mẫu nước thải đưa đi phân tích, kiểm nghiệm gần đây nhất (tháng 6 và tháng 9/2016) đều cho chung một đáp số là thông số ô nhiễm vẫn vượt quy chuẩn gấp rất nhiều lần cho phép.
Ông Phan Công Quỳnh, Chủ tịch hội Nông dân xã Suối Tân chia sẻ, mức độ ô nhiễm xả thải không chỉ làm giảm năng suất lúa, hoa màu, xoài mà còn gây ô nhiễm không khí. Địa phương đang rà soát danh sách các hộ bị thiệt hại và hướng dẫn nông dân khởi kiện yêu cầu các cơ sở gây ra phải bồi thường.
Theo ông Võ Tấn Thái, Giám đốc sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa thì, ngày 15/9/2016, Sở đã kiểm tra thực tế tại 2 cơ sở này và nhận thấy chưa hoàn thành việc xử lý môi trường, nước thải sau xử lý có mùi hôi thối, hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo yêu cầu. Sở thống nhất kiến nghị của UBND huyện Cam Lâm tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động của 2 cơ sở nói trên.
BẠCH HƯNG
[mecloud]q9WgH3i18f[/mecloud]