Nguồn tin riêng của Tiền Phong nói rằng, chiều 24/9, cơ quan CSĐT Công an Hà Nội tổ chức làm việc với phóng viên báo Tuổi Trẻ Trần Quang Thế - người bị công an huyện hành hung trên cầu Nhật Tân (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) một ngày trước.
Phóng viên Quang Thế bị hành hung. Ảnh: MC |
Nội dung làm việc được cho là kiểm tra lại hiện trường nơi phóng viên bị đánh, lời khai từ người hành hung và người bị hành hung. Tham gia buổi làm việc có đại diện lãnh đạo báo Tuổi Trẻ.
Trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại, đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an huyện Đông Anh, cho biết, Đội CSHS huyện đã làm tường trình và bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra Công an Hà Nội để làm rõ. Danh tính người hành hung phóng viên chưa được tiết lộ.
Trước đó, trả lời báo chí về sự việc, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết đã giao cho Văn phòng Cơ quan điều tra (PC44) làm rõ. “Công an huyện Đông Anh mới chỉ báo cáo về vụ việc, chưa báo cáo việc va chạm với báo chí. Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đang vào cuộc xác minh nguồn tin mà báo chí cung cấp để làm rõ nguyên nhân. Sự việc sẽ được xem xét một cách công khai, minh bạch”, ông Khương nói.
Hội Nhà báo yêu cầu xử lý nghiêm
Cùng ngày, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi, cho biết, sau khi nắm được thông tin phóng viên Trần Quang Thế bị hành hung khi tác nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam đã ra văn bản gửi Công an thành phố Hà Nội, đề nghị Công an huyện Đông Anh nhanh chóng xác minh, làm rõ và có hình thức xử lý nghiêm đối với hành vi cản trở tác nghiệp, hành hung nhà báo.
“Gần đây liên tục xảy ra các vụ việc nhà báo bị cản trở khi đang tác nghiệp, hoạt động đúng quy định của pháp luật. Thậm chí có những vụ hành hung, thu giữ, đập phá, hủy hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo. Đây là những hành động không thể chấp nhận được cần phải xử lý nghiêm. Hội Nhà báo Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan liên quan vào cuộc để điều tra xử lý, có những vụ có tính chất vi phạm hình sự đã đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Lợi nói.
Trước đó, sáng 23/9, nhận được tin báo sự cố tài xế hãng taxi Vic tử vong dưới chân cầu Nhật Tân và sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, phóng viên Thế tới hiện trường ghi nhận thông tin. Tuy nhiên, khi xuất trình giấy giới thiệu với công an khu vực bảo vệ hiện trường để tác nghiệp, một nhóm thanh niên mặc thường phục tới truy vấn sau đó lao tới đấm đá vào mặt, đầu và người phóng viên Thế khiến anh bị chảy máu mồm, choáng váng.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, chiến sỹ công an đánh phóng viên khi đang tác nghiệp là vi phạm “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, vi phạm quy định tại Điều 20 của Hiến pháp. Đại diện Công an huyện Đông Anh đã thừa nhận những người hành hung anh Thế là cán bộ, chiến sỹ của đơn vị, đồng thời xin lỗi vì hành vi manh động của họ.
Điều 20 của Hiến pháp nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Khoản 1, Điều 42, Luật Công an nhân dân có nội dung: “Sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ Công an nhân dân vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Nếu thương tích của phóng viên trên 11% thì cán bộ công an sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 104 Bộ luật Hình sự về tội “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Nếu thương tích dưới 11% thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của Công an nhân dân (có thể bị tước quân tịch). Đồng thời, phải bồi thường thiệt hại cho sức khỏe của người bị đánh, luật sư Tuấn nói.
Tại Điều 7, Nghị định số 159 ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về “Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí”. 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này; b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này. |
Nguồn: Tiền phong