Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phó Thủ tướng nói gì về tình trạng sở hữu chéo, lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng?

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, việc sở hữu chéo sẽ tác động đến những hành vi thao túng đến hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các hoạt động tín dụng.

Theo báo Đầu tư, sáng 8/6, chất vấn trực tiếp Phó thủ tướng Lê Minh Khái, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đặt vấn đề, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại.

Thực tế này bất chấp ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn thực hiện tái cơ cấu, hệ lụy là nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống tài chính ngân hàng lại bùng lên, đặc biệt khi sự kiện Vạn Thịnh Phát nổ ra đầu hồi tháng 10/2022.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Gia Hân/Thanh niên

Trả lời đại biểu, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng là một định chế đặc biệt, vừa huy động vốn và vừa cho vay, có nghĩa là không phải sử dụng vốn của mình mà sử dụng vốn huy động, là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Do vậy, việc kiểm soát, giám sát, quản lý theo những tiêu chuẩn là hết sức nghiêm ngặt, trong đó có việc sở hữu chéo sẽ tác động đến những hành vi thao túng trong hoạt động của ngân hàng và đặc biệt là các hoạt động tín dụng.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đã rất tích cực tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý sở hữu chéo trong các ngân hàng. Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, hiện nay cũng còn có những khó khăn.

Cụ thể, vốn điều lệ nếu được công khai thì xử lý được ngay, nhưng trên thực tế thì có thể là đứng tên hộ, có thể là nhờ người khác đứng tên… Do đó trong quá trình kiểm tra, đánh giá, nhận định và kết luận những vấn đề này đòi hỏi cũng phải có sự phối hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật thì mới giải quyết được.

Mặt khác, trong sở hữu chéo không chỉ sở hữu về vốn mà sở hữu về các hoạt động của ngân hàng như đầu tư, tín dụng. Phó Thủ tướng đánh giá việc này cũng rất nguy hiểm, làm méo mó hoạt động kinh tế và cũng không công khai minh bạch.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, sắp tới để hạn chế đến mức tối đa việc sở hữu chéo ngân hàng, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát về vấn đề này; hệ thống kiểm soát nội bộ để tự phát hiện ra những vấn để lệch chuẩn.

Theo báo Thanh niên, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Danh Tú về chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Phó thủ tướng cho biết, cổ phần hóa, thoái vốn rất quan trọng, là một trong những nội dung cơ cấu lại nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua việc thực hiện không đạt được yêu cầu đề ra.

"Vướng ở quan điểm chỉ đạo, có những doanh nghiệp rất lớn, khi chúng ta cổ phần, thoái vốn được rất ít, chỉ khoảng 1% thôi. Ngoài ra, khi cổ phần hóa việc khó nhất hiện nay là sắp xếp lại đất đai và giá trị doanh nghiệp", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Một khó khăn khác được Phó Thủ tướng nêu là “nguồn vốn của xã hội đầu tư”. Theo ông, những doanh nghiệp được nhà đầu tư quan tâm hiện đã “cổ phần hóa tương đối”, chỉ còn lại những doanh nghiệp nhà nước khó khăn, không hấp dẫn khiến việc cổ phần hóa, thoái vốn càng thêm khó khăn.

“Đây là một việc rất khó, đại biểu hỏi cũng rất khó”,  Phó Thủ tướng thừa nhận.

Khẳng định Chính phủ “rất quan tâm chỉ đạo việc này”, Phó Thủ tướng cho hay thời gian tới, Chính phủ sẽ căn cứ quy định của pháp luật để đánh giá đầy đủ, cụ thể. Trên cơ sở đó có giải pháp, phương án sắp xếp góp phần nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời bảo toàn phát triển được nguồn vốn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật