Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hội Luật gia VN

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Sáng 30/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia về công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia lần thứ XII (nhiệm kỳ 2014- 2019).

(ĐSPL) – Sáng 30/5, tại trụ sở của Hội Luật gia Việt Nam (Tòa tháp Ngôi Sao - Star Tower, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia về công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia lần thứ XII (nhiệm kỳ 2014- 2019).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) nghe báo cáo về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quyền- Phó trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Phó bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, ngày 18/3, Đảng đoàn và lãnh đạo Hội luật gia đã ban hành kế hoạch số 57-KH/BCH-HLGVN về tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội luật gia Việt Nam lần thứ XII; tiếp đó đã thành lập Ban chỉ đạo đại hội và 5 tiểu ban: tiểu ban văn kiện, tiểu ban nhân sự, tiểu ban điều lệ, tiểu ban tuyên truyền và tiểu ban lễ tân- hậu cần. Các tiểu ban đã và đang triển khai được công việc được phân công.
Chủ đề của Đại hội là "Chủ động, sáng tạo, hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững". Chủ đề này sẽ được thảo luận, quyết định tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam trước Đại hội.
Trong thời gian diễn ra (1,5 ngày, từ 14h ngày 19/9 đến 17h ngày 20/9/2014) tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Đại hội sẽ thảo luận và thông qua Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ XI (2009 - 2014); Phương hướng nhiệm vụ khóa XII, nhiệm kỳ (2014 - 2019); Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XI, nhiệm kỳ (2009 - 2014); Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam; Bầu cử Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Trung ương Hội Luật gia Việt Nam khóa XII (nhiệm 2014 - 2019).
Tổng số đại biểu dự Đại hội dự kiến khoảng 350 - 400 người.
Báo cáo về những công việc đã triển khai, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, đến nay nhiều tỉnh, thành hội, chi hội trực thuộc đã tiến hành đại hội; các nơi còn lại đang tiếp tục chuẩn bị để giữa tháng 8/2014 sẽ xong đại hội các cấp.
Bên cạnh đó, dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ XI (2009 - 2014), phương hướng nhiệm vụ khóa XII, nhiệm kỳ (2014 - 2019); Dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XI, nhiệm kỳ (2009 - 2014; Dự thảo Đề án nhân sự Ban Chấp hành Khóa XII và hướng dẫn về tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu và quy trình giới thiệu người ứng cử Ban Chấp hành khóa XII... đang được tích cực triển khai.
Ông Nguyễn Văn Quyền- Phó trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Phó bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội.
Báo cáo về kết quả hoạt động nhiệm kỳ XI (2009- 2014), ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, trong nhiệm kỳ XI, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các cấp Hội Luật gia tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Về công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở, đây là lĩnh vực công tác được quan tâm đẩy mạnh và có bước phát triển mới, phạm vi hoạt động ngày càng được mở rộng, nội dung và hình thức hoạt động thiết thực, phong phú và đa dạng hơn, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác thông tin tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật; thông tin, tuyên truyền về tổ chức, hoạt động của các cấp hội và hội viên đã được các cấp hội tích cực, chủ động tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú và đạt được nhiều kết quả tốt.
Tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát, phản biện chính sách, pháp luật, các cấp Hội đã tích cực tham gia thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp: cử đại diện tham gia Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; tham gia nhiều hoạt động và đóng góp nhiều ý kiến vào các Đề án, văn bản quan trọng như: Đề án mô hình tố tụng hình sự Việt Nam; Đề án nghiên cứu chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố; Đề án nghiên cứu thu gọn đầu mối cơ quan điều tra; Đề án về cơ quan quản lý thi hành án; Đề án thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên....
Là thành viên của Hội đồng tuyển chọn thẩm phán và kiểm sát viên các cấp, các cấp hội đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc đánh giá, nhận xét ứng cử viên thẩm phán, kiểm sát viên được Hội đồng tuyển chọn đánh giá cao. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã tham gia tuyển chọn để bổ nhiệm mới và bổ nhiệm lại 88 kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 65 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 47 thẩm phán Tòa án quân sự trung ương, 96 thẩm phán Tòa án quân sự các cấp và hàng nghìn thẩm phán, kiểm sát viên ở địa phương.
Trong thời gian tới, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tích cực, chủ động nghiên cứu, tham gia kiến nghị và góp ý kiến xây dựng về mặt pháp lý và đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đối nội, đối ngoại, về phát triển kinh tế - xã hội.
Về hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, trong nhiệm kỳ đã thực hiện đúng các nguyên tắc, định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Hội và công tác đối ngoại nhân dân.
Về công tác tổ chức, cán bộ hội viên, Trung ương Hội đã thành lập và kiện toàn 4 Ban chuyên môn và Văn phòng trực thuộc, các cấp hội địa phương ngày càng được quan tâm phát triển, đến nay đã có 59/63 hội cấp tỉnh, 166 hội cấp huyện và 102 Hội cấp xã được công nhận là hội đặc thù. Trong đó 14 hội cấp tỉnh, thành phố đã phát triển tổ chức đến tất cả các quận, huyện.
Trong nhiệm kỳ qua, đội ngũ hội viên của Hội Luật gia Việt Nam không ngừng phát triển. Hiện nay Hội Luật gia Việt Nam có hơn 45.000 hội viên (trong đó có 36.285 hội viên đã được cấp, đổi thẻ mới).
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại như: chất lượng, hiệu quả tổ chức và hoạt động của một số cấp hội trong một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu năng động, sáng tạo, nội dung hoạt động còn dàn trải, chưa định hướng được những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm ở từng thời kỳ...
Trong thời gian tới, Hội sẽ tích cực, chủ động nghiên cứu, tham gia kiến nghị và góp ý kiến xây dựng về mặt pháp lý và đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đối nội, đối ngoại, về phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước hoặc tại các vùng, miền, địa phương.
Đồng thời, thực hiện tốt vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị định; các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương khi được giao. Trước mắt, trong năm 2014 và 2015 hoàn thành với chất lượng cao Dự án Luật trưng cầu ý dân để được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 và chủ động đề xuất với Quốc hội, Chính phủ kế hoạch triển khai, đưa Luật vào cuộc sống, góp phần thiết thực triển khai thực hiện Hiến pháp 2013.
Thay mặt Đảng đoàn Hội Luật gia, ông Nguyễn Văn Quyền cũng kiến nghị cho phép áp dụng thống nhất Điều lệ của Hội Luật gia Việt Nam đối với các cấp hội trong toàn quốc. Hội Luật gia các tỉnh không phải xây dựng Điều lệ để trình UBND cấp tỉnh như quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 45/2010/NĐ-CP.
Bởi lẽ, Hội Luật gia Việt Nam thành lập được 59 năm, ngay từ khi thành lập Hội đã có Điều lệ và thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Gần đây, Nghị định 45/2010/NĐ-CP giao cho Ủy ban cấp tỉnh cho phép thành lập và phê duyệt Điều lệ của Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh nên việc thực hiện thống nhất Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam trong toàn quốc gặp khó khăn.
Đồng thời, đề nghị cho áp dụng thống nhất tổ chức Hội Luật gia là tổ chức đặc thù trong toàn quốc.
Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc thù nhưng chỉ áp dụng đối với các tổ chức hội thành lập trước ngày Nghị định 45/2010/NĐ-CP có hiệu lực. Hội Luật gia cấp tỉnh và cấp huyện thành lập sau ngày Nghị định 45/2010/NĐ-CP có hiệu lực không được coi là hội đặc thù.
Như vậy trong hệ thống của Hội Luật gia Việt Nam thì Hội Luật gia cấp tỉnh và Hội Luật gia cấp huyện hoạt động theo tính chất và chức năng nhiệm vụ như nhau nhưng có những Hội được công nhận là đặc thù và có những Hội không được công nhận là đặc thù gây so sánh và không yên tâm hoạt động trong nhiều hội viên và cũng gây khó khăn cho công tác lãnh đạo hoạt động hội ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, đề nghị cho phép Hội Luật gia Việt Nam được tham gia sâu nhiệm vụ thẩm định các văn bản pháp luật trước khi trình Chính phủ thảo luận, quyết định.
Đề nghị Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho các cấp Hội Luật gia tham gia sâu rộng hơn trong hoạt động giám sát, phản biện và giám định xã hội.
Tại Chỉ thị 08/2013/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam xác định Hội Luật gia có chức năng tham gia hoạt động giám sát, phản biện, giám định xã hội theo đề nghị của các cơ quan Nhà nước. Với lực lượng Hội viên có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tư pháp và thanh tra, Hội Luật gia Việt Nam và các Hội Luật gia địa phương có thể thực hiện tốt hơn chức năng này nhưng chưa có cơ chế cụ thể nên hầu như chưa thực hiện được.
Để phát huy tốt hơn hiệu quả hoạt động Hợp tác quốc tế, Hội Luật gia Việt Nam đề nghị tạo điều kiện về cơ chế, nguồn lực, kinh phí để Hội tăng cường quan hệ với Hiệp hội quốc tế Các luật sư dân chủ (IADL) và Hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA), mở rộng quan hệ với Hội Luật gia nhiều nước khác để tuyên truyền vận động việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông và vận động luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp phần xây dựng đất nước.
Tại cuộc làm việc, nhiều đại biểu cũng đã nêu những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ liên quan đến cơ chế hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, cũng như vai trò của Hội trong việc tham mưu, tư vấn, tuyên truyền vận động giải quyết vấn đề Biển Đông trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Ông Lê Xuân Thảo, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia INVENCO.
Ông Lê Xuân Thảo, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia INVENCO, kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trưởng sửa đổi Nghị định 45 để Hội Luật gia ở tất cả các cấp được hưởng chế độ đặc thù. Vì chậm sửa đổi nên Hội Luật gia ở các địa phương không có các chế độ cần thiết.
Theo ông Thảo, nếu không có sự thống nhất từ trung ương xuống địa phương thì Hội sẽ hoạt động khó khăn, nhiệm vụ của Hội nặng nề, nhất là trong công tác hòa giải ở cơ sở. “Tiếng nói của Hội Luật gia được dân tin tưởng, nhiều khi địa phương nói dân không nghe nhưng khi Hội Luật gia lên tiếng thì dân lại nghe. Vì vậy ngân sách dành cho các Hội phải tăng lên để có thể đảm bảo cho các hoạt động của Hội”, ông Thảo đề xuất.
Ông Dương Thành Bắc, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội, Trợ lý Chủ tịch nước
Trong khi đó, ông Dương Thành Bắc, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội, Trợ lý Chủ tịch nước, nêu ý kiến: “Cần tháo gỡ cơ chế để chỉ đạo của Hội Luật gia xuyên suốt từ trung ương xuống địa phương, đảm bảo tiếng nói của Hội có trọng lượng”.
Ông Bắc cho rằng, để hoạt động được tốt, Hội cũng rất cần phải có kinh phí và cơ sở vật chất.
Cùng quan điểm, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Bức xúc của Hội là quyết định số 68 của Nghị định 45, cuộc họp nào cũng đề cập đến. Nghị định 45 thay Nghị định 88 nhưng Nghị định 45 lại chia tách toàn bộ các tổ chức hội, làm Hội gần như không có tổ chức thống nhất. Ba năm nay Hội Luật gia liên tục có kiến nghị về vấn đề này. Các nghị định điều chỉnh chưa toàn diện, nên chúng tôi vẫn mong muốn có sự sửa đổi cho phù hợp”.
Cho rằng thời gian qua, Hội Luật gia đã lên tiếng mạnh mẽ về vụ Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Thân kiến nghị Chính phủ sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho Hội Luật gia tham gia vào các hoạt động đối ngoại liên quan đến vấn đề pháp lý.
Bà Lê Thị Kim Thanh- Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, cho biết vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã ra tuyên bố vụ Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời đã có buổi làm việc với Hội Luật gia Dân chủ quốc tế để thúc đẩy Hội Luật gia Dân chủ quốc tế ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông. Sau đó, Hội Luật gia Dân chủ quốc tế đã đồng ý ra tuyên bố về việc này, và cũng nhất trí gửi thư đến Chính phủ Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc giải trình về hành vi của mình trên biển Đông vừa qua, đồng thời thực hiện đúng Công ước Luật biển quốc tế với tư cách là 1 nước thành viên.
Bà Lê Thị Kim Thanh- Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam.
Thay mặt Hội Luật gia Việt Nam, bà Thanh đề xuất với Phó Thủ tướng cho phép Hội Luật gia Việt Nam tổ chức 2 cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề biển Đông, 1 cuộc tổ chức ở Hà Nội và 1 ở TP.HCM. Các chuyên gia quốc tế của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế cũng sẵn sàng tham gia vào các cuộc hội thảo này để cùng đóng góp ý kiến về vấn đề biển Đông.
Khẳng định Hội Luật gia Việt Nam luôn luôn nêu cao vai trò đấu tranh bằng pháp lý trong đấu tranh giải quyết vấn đề Biển Đông bằng phương pháp hoà bình, bà Nguyễn Thị Sơn - Uỷ viên, Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế cho rằng, những cuộc biểu tình bị kích động vừa qua chủ yếu xảy ra ở các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.
Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Thị Sơn.
“Qua sự việc xảy ra cho ta thấy,vai trò của công đoàn trong các doanh nghiệp nước ngoài còn yếu, không kịp thời làm công tác tuyên truyền và ngăn chặn công nhân manh động, không nắm được chiến lược xử lý tranh chấp bằng hoà bình đám phán của Nhà nước”, bà Thanh nói và cho rằng, cần thiết phải có Chi Hội luật gia trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong tổ chức công đoàn. Chính phủ nên giao Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Trung ương Hội Luật gia và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu vấn đề này.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Hội Luật gia, đồng thời nhấn mạnh: “Đại hội đại biểu lần thứ XII có ý nghĩa quan trọng với Hội Luật gia Việt Nam trong thời điểm hiện nay, chính vì vậy tôi thay mặt Bộ Chính trị yêu cầu các đồng chí tổ chức thành công Đại hội, phải làm sao cho mẫu mực, nghiêm túc, tốt nhất, thể hiện vị trí, vai trò của chúng ta, làm gương cho các Hội Luật gia địa phương, tiếp tục chỉ đạo các Chi hội tổ chức tốt đại hội ở các địa phương”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Về đề án về nhân sự, Phó Thủ tướng thống nhất quan điểm là phải làm chặt chẽ, lựa chọn kỹ càng, làm sao để có được đội ngũ nhân sự có năng lực, có trách nhiệm với công việc, có sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm.
Đề cập về tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Buổi làm việc ngày hôm nay không chỉ đề cập đến những công việc lớn 5 năm tới của Hội Luật gia Việt Nam, mà còn đề cập đến vấn đề thời sự của nước ta, đó là việc liên quan đến chủ quyền thiêng liêng của đất nước khi Trung Quốc ngang nhiên cho hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, các nhiệm vụ đặt ra cũng đều liên quan đến vấn đề thời sự của đất nước. Hội Luật gia không chỉ làm kiện tụng, mà còn lo tư vấn pháp lý, giáo dục pháp luật, đồng thời phải phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền”.
Phó Thủ tướng cho biết, về những hoạt động liên quan đến biển Đông, chúng ta vẫn chủ trương hòa bình chứ chưa có chủ trương khác. “Tôi mong muốn Hội Luật gia với những kiến thức pháp lý chặt chẽ, sẽ góp sức tư vấn cho Đảng và Nhà nước nhiều hơn, sâu hơn về vấn đề này”.
Về đề xuất của bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam về việc tổ chức hai cuộc hội thảo quốc tế về biển Đông, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, rất nên tổ chức những cuộc hội thảo như thế và nên làm sớm.

Tin nổi bật