(ĐSPL) - Sau khi nhận tiền của sinh viên, Tài đột nhập vào tài khoản của một số giảng viên rồi chỉnh sửa lại điểm từ rớt thành đậu, hoặc trung bình lên khá.
Theo báo Tiền Phong, tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đang tiến hành xác minh thông tin một cán bộ Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (tại KP5, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) có hành vi sửa điểm cho sinh viên để trục lợi.
Trước đó qua công tác kiểm tra hoạt động chuyên môn, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đồng Nai đã phát hiện ông Hoàng Văn Điệp (35 tuổi, nguyên Phó trưởng Khoa Kế toán – tài chính, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai) có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng từ những sinh viên thiếu điểm, trượt tốt nghiệp.
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai - nơi xảy ra vụ việc |
Liên quan đến vụ việc này, báo Thanh niên thông tin, ông Điệp đã sử dụng tài khoản của một số giảng viên trong trường đột nhập vào hệ thống máy tính của nhà trường, rồi chỉnh sửa điểm các cho sinh viên có nhu cầu nâng điểm từ rớt thành đậu, hoặc từ trung bình lên khá. Bằng cách làm trên Điệp đã thu lợi bất chính tổng cộng số tiền trên 110 triệu đồng.
“Hiện chúng tôi đang tiến hành điều tra làm rõ các sai phạm, và tiến hành hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án”, lãnh đạo PC46 Công an tỉnh Đồng Nai nói.
Cũng trong chiều ngày 15/12, PV Thanh Niên đã đến Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai tìm hiểu thêm thông tin, tuy nhiên Hiệu trưởng là ông Phan Ngọc Sơn đi vắng, khi PV cố gắng trao đổi qua điện thoại ông Sơn đã từ chối trả lời về vấn đề trên.
Điều 266. Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |