Chị Phạm Thị Thục Anh (SN 1987, quê Nam Định) tốt nghiệp khoa Văn – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tốt nghiệp, chị trở thành giáo viên. Sau đó, chị chuyển sang Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam trong vai trò biên tập viên rồi phát triển lên chức trưởng phòng truyền thông, Phó giám đốc.
Là dân Văn, chị Thục Anh tự nhận thấy “tính nghệ sĩ” luôn chảy trong người mình. Chính vì vậy mà cách đây 4 năm, khi biết đến dòng tranh đinh chỉ, chị bị cuốn hút, ấn tượng.
Tranh đinh chỉ được phát minh bởi Mary Everest Boole vào cuối thế kỷ 19 với tên tiếng Anh là “String art”. Đây là một môn nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và sáng tạo của người nghệ sĩ. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, “String art” vẫn chưa quá phổ biến. Chị bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi về dòng tranh mới mẻ này.
Chị và một nhóm bạn yêu thích loại tranh này đã cùng nhau tìm hiểu và trao đổi ý tưởng. Nhưng do mỗi người có công việc riêng và dịch Covid-19 ập đến khiến cả nhóm giãn ra. Mỗi người tìm tòi theo cách riêng của mình rồi dần dần lại tập hợp với nhau trở thành một tập thể.
Tình yêu và niềm đam mê, cộng với sự thôi thúc thử thách bản thân khiến chị quyết định táo bạo, thoát ra “vòng an toàn”, bỏ công việc Phó giám đốc nhà sách để dấn thân vào hành trình mạo hiểm mới lạ với dòng tranh đinh chỉ.
Sự kết hợp hài hòa giữa đinh và chỉ, giữa ánh sáng và bóng tối tạo nên một hiệu ứng thị giác độc đáo, thu hút người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên. (Ảnh: NVCC)
Quyết định đột ngột này của chị Thục Anh nhận được sự phản đối từ gia đình. Chồng chị vẫn lo nhưng luôn âm thầm ủng hộ cả về vật chất và tinh thần
Với chị đây là một giai đoạn mới, khởi đầu mới, đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời.
Sau khi nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế, bài toán mà chị và các đồng nghiệp cần giải là: Nâng cao kỹ thuật và đưa tranh đinh chỉ trở thành một loại tranh nghệ thuật tinh tế, độc đáo.
Nhóm của chị tập trung nghiên cứu để tìm ra kỹ thuật của riêng mình, mang đến dòng tranh đinh chỉ khác biệt về kỹ thuật và hiệu ứng thị giác. Tranh đinh chỉ không hướng tới “chép” hình ảnh, mà còn nắm bắt thần thái nhân vật, điểm nổi bật, đặc trưng để “tả”.
Chị Thục Anh cùng cộng sự tạo nên những bức tranh độc đáo, truyền hồn từ đinh chỉ. (Ảnh: NVCC)
Chị Thục Anh chia sẻ, để cho ra đời một bức tranh đinh chỉ, các khâu gồm có: Phác thảo ảnh, lên ý tưởng, xác định các điểm đinh, đóng đinh rồi căng chỉ tạo hình.
Để hoàn thiện bức tranh, người nghệ sỹ dùng búa, đinh và chỉ thao tác công phu. Mỗi bức tranh hoàn thiện là thành quả của việc sắp xếp hàng nghìn, chục nghìn chiếc đinh với hàng trăm mét chỉ được móc nối chính xác để tạo nên hình khối, độ sáng tối cho tranh.
Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, nhóm của chị Thục Anh đã tìm ra kỹ thuật tạo hiệu ứng thị giác khác biệt để đưa tranh đinh chỉ tiếp cận thị trường như một loại hình nghệ thuật.
Chủ đề tranh đinh chỉ chủ yếu tập trung vào chân dung với mục tiêu khắc họa những cảm xúc và sắc thái biểu cảm tinh tế trên mặt nhân vật. Thành thục với thể loại này, cả nhóm mới mở rộng sang các chủ đề khác như phong cảnh và các yếu tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam, nhằm mang đến sự đa dạng và phong phú trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.
“Khâu nào cũng khó vì chỉ khi tranh hoàn thành mới biết được kết quả cuối cùng. Nếu có điểm chưa ưng ý thì sẽ phải xem lại từng khâu, có lúc sửa tranh phải gỡ toàn bộ để làm lại. Thời gian hoàn thành một bức tranh có thể dao động từ vài ngày đến vài tuần, vài tháng tùy thuộc vào kích thước và độ phức tạp”, chị Thục Anh cho hay.
Chị Thục Anh đóng đinh để định hình bức tranh trên nền gỗ. (Ảnh: NVCC)
Theo chị Thục Anh, một khó khăn nữa là về thị trường. Đây là loại hình tranh mới nên ít người biết tới, các nghệ sỹ vừa nghiên cứu kỹ thuật vừa loay hoay truyền thông, giới thiệu tác phẩm.
Nhóm của chị Thục Anh luôn đặt chữ “tâm” lên từng sản phẩm. Đến nay đã có rất nhiều tranh được đặt bởi cả khách hàng người Việt và quốc tế.
Nhóm nghệ sĩ cũng có nhiều tác phẩm gây chú ý trên mạng xã hội và cộng đồng những người yêu nghệ thuật. Ví như bức tranh Phật Thích Ca với kích thước 80x120cm đã tiêu tốn của nhóm nghệ sỹ hơn 15.000 chiếc đinh, khoảng 3.000 mét chỉ và hơn 200 giờ làm việc trong hơn hai tháng để hoàn thiện. Hay như, bức chân dung cô gái dân tộc kích thước 80x120cm, là kích thước khá lớn với dòng tranh đinh chỉ.
Chia sẻ những dự định sắp tới, chị Thục Anh cho biết nhóm đang lên kế hoạch để tổ chức một triển lãm nhằm giới thiệu các tác phẩm của mình đến với công chúng.
Chị mong muốn mọi người có thể cảm nhận trực quan, có thể chạm vào từng đường chỉ để cảm thận độ căng, điểm linh hoạt, nắm bắt được “hồn” của bức tranh.
Đây cũng là cơ hội để nhóm gặp gỡ và giao lưu với những người có cùng đam mê nghệ thuật và mang nghệ thuật tranh đinh chỉ đến gần hơn với mọi người.