Tạp chí Forbes vừa cập nhập thông tin tài sản các doanh nhân Việt vào đầu năm Ất Tỵ. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, trở lại danh sách tỷ phú USD sau khi bị mất vị trí này trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong phần lớn thời gian năm 2024, ông Nguyễn Đăng Quang nằm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Theo Forbes, tính tới ngày 2/2 (mùng 5 Tết), ông Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản tròn 1 tỷ USD, xếp thứ 2.718 trên thế giới. Ngày 23/1, tài sản của ông Quang xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD. Đây không phải là lần đầu tiên ông Quang ra khỏi danh sách Forbes.
Tính tới 2/2, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) kiêm CEO VinFast (VFS) Phạm Nhật Vượng có tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, không đổi so với cuối năm trước nhưng thứ hạng giảm từ 839 xuống 842 thế giới. Đầu năm 2024, tài sản của ông Vượng ở mức 4,6 tỷ USD.
So với trước Tết Nguyên đán, tài sản của Chủ tịch VietJet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn ở mức 2,8 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương (Thaco) và gia đình ghi nhận tài sản đứng yên ở mức 1,3 tỷ USD.
Việt Nam có 6 tỷ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. (Đồ họa: Znews)
Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh ghi nhận tài sản tăng từ 1,7 tỷ USD lên 1,8 tỷ USD. Tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long tăng thêm 100 triệu USD, lên mức 2,3 tỷ USD.
Như vậy, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất trong danh sách của Forbes, cũng như theo tài sản quy ra từ cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Vượng giữ vị trí số 1 từ năm 2010 tới nay.
Nhìn sang một số nước trong khu vực, có thể thấy các doanh nhân giàu nhất đang ngày càng gia tăng.
Theo dữ liệu trên Forbes ngày 24/1, Thái Lan có 26 tỷ phú USD với tổng quy mô tài sản gần 86 tỷ USD, Singapore có 41 tỷ phú với tổng quy mô tài sản gần 115 tỷ USD.
Đáng chú ý nhất trong khối ASEAN là sự vươn lên của Indonesia về độ giàu có của các doanh nhân. Đầu năm 2025, Indonesia có 35 tỷ phú USD, tăng 10 người so với năm 2023.
Còn tại các nước Philippines, Malaysia lần lượt có 16 và 17 tỷ phú USD góp mặt trong danh sách.