Theo ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi cục Phó Chi cục QLTT Hà Nội - do lợi nhuận của nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và dược liệu rất cao, do đó các đối đối tượng làm giả, làm nhái ngày càng tinh vi.
Phần lớn các vi phạm được phát hiện gần đây là các đối tượng sử dụng sản phẩm hết hạn, sản phẩm không có tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATVSTP. Cùng đó, tình trạng mua bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Trích xuất kiểm tra nguồn gốc hàng hoá qua mã vạch |
Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng
Theo Chi cục QLTT Hà Nội, để thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng dược liệu, trong 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Qua đó, đã kiểm tra 5.653 vụ, phát hiện và xử lý 5.337 vụ. Các vi phạm chủ yếu là về nhãn mác, niêm yết giá bán, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giả mạo nhãn hiệu...
Các đầu lậu sang Quảng Châu (TQ) đặt hàng với mẫu mã bên ngoài như các sản phẩm chính hiệu, còn chất lượng thì tuỳ theo yêu cầu của khách hàng ở nông thôn hay thành thị mà các đối tượng đặt hàng với số lượng lớn, nhập lậu qua đường tiểu ngạch về bán tại thị trường trong nước.
Cũng theo Chi cục QLTT Hà Nội, hiện nay, rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng ghi nhãn mác gần giống các sản phẩm chính hãng với công dụng tương tự sản phẩm thật và có tác dụng hỗ trợ sản phẩm. Nên khi xảy ra việc, rất khó phân biệt sản phẩm là thuốc hay là sản phẩm chức năng, do đó, các đối tượng đã lợi dụng các mạng xã hội lừa đảo khiến người tiêu dùng “tiền mất tật mang”.
“Trên bảo dưới không nghe”
Những lô hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đều bị tịch thu và xử lý. |
QLTT Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra và tạm giữ trên 2.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và hoá đơn hợp lệ. Tại cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Skin House số 19, Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đội QLTT số 13 đã kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hàng hoá và hoá đơn chứng từ liên quan đến hàng hoá và việc chấp hành pháp luật về nhãn hiệu hàng hoá.
Qua kiểm tra ban đầu, phần lớn số hàng hoá tại cửa hàng này đều không có nhãn phụ, khi trích xuất nguồn gốc hàng hoá thông qua mã vạch thì một số sản phẩm không có trích xuất nguồn gốc hàng hoá, một số mẫu có nhưng giới thiệu nguồn gốc sơ sài, không rõ nơi sản xuất, hãng nhập khẩu....
Một thành viên của đoàn công tác cho biết, nếu có vi phạm thì việc xử lý những vi phạm này cũng rất khó, vì không có chủ thể chính nào đứng lên khởi kiện các đối tượng làm hàng giả, vì bao bì các sản phẩm chỉ ghi chung chung.
Theo ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT - thời gian qua, lực lượng QLTT đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhưng không được xử lý. Nguyên nhân, do sự phân cấp chồng chéo giữa các lực lượng chức năng. Nhiều vụ việc, lực lượng QLTT là đơn vị chủ công với chức năng quản lý, kiểm soát hàng hoá trên thị trường nhưng không đủ thẩm quyền xử lý, và nhiều vụ việc gần như đang bị chìm xuồng, bởi thẩm quyền của QLTT thấy dấu hiệu vi phạm, phát hiện và kiểm tra và chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra.
Theo ông Hùng, khó khăn lớn nhất hiện nay là sự quản lý vẫn còn chống chéo, dẫn đến việc “trên bảo dưới không nghe”, nhiều vụ việc Cục QLTT xuống kiểm tra nhưng không được sự phối hợp với QLTT địa phương khiến công tác chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái rất khó khăn.
Còn ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết: "Mới đây, ngày 6/7, chỉ trong 1 ngày đồng loạt ra quân kiểm tra 10 điểm kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn Thành phố, các tổ công tác QLTT đã phát hiện tạm giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại vi phạm, tổng trị giá 149 triệu đồng. Còn tại TPHCM, 28 đoàn thuộc lực lượng QLTT đồng loạt ra quân kiểm tra 70 điểm kinh doanh tân dược, mỹ phẩm trên địa bàn và phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng".
Cơ quan chức năng đã phát hiện số lượng lớn tân dược, đông dược với nhãn mác toàn tiếng Trung Quốc và cũng không công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Thời gian gần đây, các hoạt động kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ cũng khá phổ biến trên mạng internet, việc phát hiện xử lý chưa được nhiều.
"Tuy nhiên, trên cơ sở vào cuộc kiểm tra bước đầu này, chúng tôi mong muốn các cơ quan vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ để các tổ chức DN, cá nhân chấp hành nghiêm túc quy định Nhà nước về quản lý trong lĩnh vực này.
Có thể nói, trong thời gian đầu thực hiện Chỉ thị 17 của Thủ tướng, các lực lượng chức năng đã có hưởng ứng bước đầu khá tích cực nhưng chưa thật sự đồng đều, kết quả còn thấp so với yêu cầu thực tế.
Theo tôi, quan trọng nhất là các đơn vị phải tích cực vào cuộc, chính từ quá trình triển khai thực tế, những khó khăn phát sinh sẽ được tổng hợp, báo cáo kiến nghị để kịp thời tháo gỡ.
Từ đó, các bộ, ngành, ban và Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật, hoàn thiện khung pháp lý để hạn chế các đối tượng lách quy định, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng", ông Thế nói.