Đại hội có nhiệm vụ tổng kết công tác hội nhiệm kỳ 2017 - 2024, xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác và bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Đến dự và chỉ đạo Đại hội, về phía Trung ương Hội Luật gia Việt Nam có bà Lê Thị Kim Thanh – Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Về phía Tòa án Nhân dân tối cao, có ông Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Tòa án Nhân dân tối cao; ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chánh án cùng các Ủy viên Ban chấp hành Chi hội và trên 140 đại biểu là hội viên sinh hoạt tại Chi hội.
Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là trọng tâm
Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chi hội Luật gia Tòa án Nhân dân tối cao.
Chi hội đã có nhiều biện pháp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác này như: kiện toàn đội ngũ nghiên cứu, xây dựng pháp luật, tăng cường cán bộ, xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, thu hút đông đảo các luật gia, chuyên gia có trình độ cao, có uy tín và kinh nghiệm để tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Chi hội.
Ông Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Tòa án Nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2017 - 2024.
Chi hội chủ động triển khai nhiều hoạt động với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng; chất lượng các hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Chi hội ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, kể từ tháng 11/2017 đến nay, Tòa án Nhân dân tối cao đã chủ trì xây dựng, ban hành 2 Luật, 01 Nghị quyết của Quốc hội, 3 Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã thông qua 22 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ban hành 10 Thông tư; Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo hoặc phối hợp ban hành 26 Thông tư liên tịch.
Tính từ năm 2018 đến nay, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành 10 Giải đáp nghiệp vụ, giải đáp về các lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, phá sản, lao động, hành chính, tố tụng hành chính, hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành được 72 án lệ có giá trị hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Đại biểu tham dự đại hội.
Bên cạnh đó, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được Tòa án Nhân dân tối cáo thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú thông qua hội nghị trực tuyến toàn hệ thống, văn bản giải đáp vướng mắc, công văn quán triệt thực hiện, qua phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử,…
Các mặt công tác khác như hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức, phát triển hội viên, thi đua, khen thưởng cũng được chi hội chú trọng thực hiện, làm tốt trong nhiệm kỳ vừa qua.
Kế thừa những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ mới, Chi hội Luật gia Tòa án Nhân dân tối cao xác định sẽ phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng và phát triển Chi hội Luật gia Tòa án Nhân dân tối cao ngày càng vững mạnh, xây dựng đội ngũ hội viên Chi hội Luật gia giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Toàn cảnh đại hội.
Sự đóng góp chung vào thành tích của Hội
Thay mặt Trung ương Hội Luật gia Việt Nam phát biểu tại đại hội, bà Lê Thị Kim Thanh – Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, các mặt công tác, sự phát triển về cả tổ chức và hoạt động của Chi hội Luật gia Tòa án Nhân dân tối cao trong nhiệm kỳ vừa qua, thực sự là một trong những đơn vị dẫn đầu trên các mặt công tác trong khối các Chi hội trực thuộc trung ương.
Đánh giá đặc thù công tác của Tòa án Nhân dân tối cao có nhiều nét tương đồng với hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, bà Lê Thị Kim Thanh khẳng định, xuyên suốt kể từ khi được thành lập, những kết quả tích cực, nổi bật của Chi hội Luật gia Tòa án Nhân dân tối cao đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung của Hội.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh chỉ đạo tại đại hội.
Khẳng định Hội Luật gia Việt Nam đứng trước dấu mốc 70 năm thành lập đã có sự phát triển vượt bậc về cả tổ chức và hoạt động, vị trí, vai trò ngày càng được khẳng định nhất là kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 1/7/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình mới, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị Chi hội Luật gia Tòa án Nhân dân tối cao tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện các mặt công tác Hội, tập trung vào một số điểm như sau:
Thứ nhất, chủ động tham mưu, đề xuất với Hội đồng Thẩm phán, lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao quan tâm, tạo điều kiện để hội viên Hội Luật gia tham gia sâu rộng vào các mảng công tác mà Tòa án đang quản lý và hội viên Hội Luật gia có lợi thế như công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tham gia Hội thẩm Nhân dân, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh tặng hoa chúc mừng đại hội.
Thứ hai, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và bám sát các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác Hội Luật gia Việt Nam, nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh đó, bám sát các nội dung, chương trình, kế hoạch của Tòa án Nhân dân tối cao ban hành.
Thứ ba, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam mong muốn Chi hội Luật gia Tòa án Nhân dân tối cao tích cực phối hợp với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động đối ngoại điển hình là Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN, Đại hội Hiệp Hội Luật gia các nước ASEAN (ALA)…
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện tổ chức, phát triển hội viên để Chi Hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, quán triệt hội viên chấp hành điều lệ Hội và các quy định chuẩn mực đạo đức của Hội viên Hội Luật gia Việt Nam, xây dựng đội ngũ Luật gia "giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý".
Ban Chấp hành Chi hội Luật gia Tòa án Nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2024 - 2029 ra mắt đại hội.
Tại Đại hội, các đại biểu đã tiến hành bầu Ban chấp hành Chi hội nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 15 thành viên. Luật gia Nguyễn Văn Tiến - Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng.
Đại hội cũng bầu đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV và thông qua Nghị quyết của Đại hội.