(ĐSPL) - Thêm một lần nữa phim Việt lại chuẩn bị đi dự Oscar lần thứ 89, lần này bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được lựa chọn. Năm nay, có 5 phim gửi về Hội đồng Quốc gia để tuyển chọn phim tham dự Vòng sơ tuyển Giải Oscar 2017. Các phim: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến, Truy sát, Có bao giờ yêu nhau, 12 chòm sao: Vẽ đường cho Yêu chạy. Cuối cùng, các thành viên của Hội đồng đã bỏ phiếu cho Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Đây được đánh giá là một lựa chọn hợp lý bởi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không chỉ là phim “xã hội hóa” gây được tiếng vang trong nước mà bản thân bộ phim cũng đã đạt được một số thành công nhất định. Sự lựa chọn này cũng mang theo kỳ vọng sẽ cải thiện thành tích của phim Việt trên trường quốc tế.
Kể từ năm 1993, lần duy nhất phim Việt gây tiếng vang là bộ phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng được đề cử ở hạng mục Phim ngoại ngữ hay nhất từ đó đến nay cũng đã hơn 20 năm, với 12 tác phẩm đi thi.
Nhìn những lần phim Việt bị loại “từ vòng gửi xe” mới thấy khoảng cách của phim Việt với thế giới mênh mông cỡ nào. Nhìn vào điện ảnh Việt năm nay có lẽ hội đồng lựa chọn phim quốc gia cũng không có nhiều “bó đũa” để chọn “cột cờ”, những tác phẩm gửi đến hội đồng thẩm định cũng rất ít bởi phim hiện nay hầu hết được làm theo kiểu “mỳ ăn liền”, chộp giật và thương mại nên rất khó tạo dấu ấn. Trong bối cảnh đó, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim được đánh giá là có chất lượng tốt nhất so với phim mang đi dự thi của nhiều năm gần đây. Trước đây phim Mùi cỏ cháy, Đừng đốt đã gây thất vọng.
Cũng đã có ý kiến cho rằng phim Việt kém vậy sao vẫn cố mang đi thi để làm gì khi mà biết trước chỉ chuốc lấy thất bại? Ngay cả với phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì cơ hội để chúng ta lọt vào top 5 (top đề cử) cũng khá thấp.
Xét ở mức độ tích cực, phim Việt dự Oscar cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh điện ảnh quốc gia. Việc được cọ xát với những nền điện ảnh tiên tiến hàng đầu trên thế giới sẽ giúp các nhà sản xuất, các nhà biên kịch nhìn nhận vị trí của mình đang ở đâu.
Dẫu biết Oscar là “sân chơi” quá tầm nhưng nếu cứ tự ti thì có lẽ phim Việt không biết bao giờ mới thay đổi và phát triển lên được. Có điều cũng phải nhìn nhận rằng, trong nhiều năm qua, không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh, rất nhiều lĩnh vực khác đều có “cọ xát”, “học hỏi”. Những cụm từ này quá đỗi quen thuộc nhưng thực tế chúng ta “cọ” và “học” được gì và hiệu quả đến đâu chưa ai kiểm chứng.
Điện ảnh Việt Nam đã có lịch sử gần 60 năm và cũng từng có nhiều nghệ sỹ giành giải thưởng uy tín như NSND Hồng Sến, NSND Bùi Đình Hạc, NSND Hải Ninh... ở các Liên hoan phim Quốc tế Mátxcơva (Liên Xô), Tiệp Khắc ...
Sau ngày thống nhất, phim Việt cũng đã có những tiếng vang tại các Liên hoan phim Quốc tế ba châu lục Nantes (Pháp), LHP Châu Á - Thái Bình Dương, LHP Bergamo (Italia), Amiens (Pháp)... Tuy vậy, những Liên hoan phim sau này xét về uy tín và sức nặng hoàn toàn không thể vượt qua được Oscar. Nhưng nếu cứ chỉ “học hỏi”, “cọ xát” như hiện nay có lẽ không ổn bởi phim hiện nay của ta chủ yếu là phim thương mại. Phim Việt đang thiếu những phim thực sự có chất lượng và tạo tiếng vang trên đấu trường quốc tế.
Bài học từ thành công của bộ phim Seperation (Chia cắt) của điện ảnh Iran năm 2013 cho thấy những nền điện ảnh như Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên chuyện. Và thực tế từ sau phim Seperation, điện ảnh Iran đã được chú ý trên toàn thế giới. Nếu các nhà hoạch định có chiến lược làm phim, chọn phim để quảng bá cho phim Việt, cho điện ảnh Việt thì Oscar mới không còn ở ngoài tầm với.
TRẦN PHƯƠNG