Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phim Việt biến hóa từ phim nước ngoài: Người được khen ngợi hết lời, kẻ nhận "trái đắng"

(DS&PL) -

Điện ảnh Việt không thiếu những bộ phim được làm lại từ kịch bản vốn nổi tiếng của nước ngoài, vậy nhưng không phải phim nào cũng được đón nhận như mong đợi.

Điện ảnh Việt không thiếu những bộ phim được làm lại từ kịch bản vốn nổi tiếng của nước ngoài, vậy nhưng không phải phim nào cũng được đón nhận như mong đợi.

Tháng năm rực rỡ

"Tháng năm rực rỡ" đang là bộ phim hot nhất tại các rạp chiếu Việt ở vào thời điểm này. Được trình chiếu vào dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 và là một bộ phim dành riêng cho các cô gái, chính bởi thế "Tháng năm rực rỡ" đã thu hút không ít phái nữ. Tuy vậy, cũng phải nói thêm là cả hai suất chiếu sớm trước đó của "Tháng năm rực rỡ" đều cháy vé, thể hiện sức hút khá lớn của bộ phim.

Được chuyển thể từ bản gốc Hàn Quốc nổi tiếng "Sunny", "Tháng năm rực rỡ" dù còn một số khuyết điểm nhưng vẫn nhận về vô số lời khen tặng trên khắp các diễn đàn review phim ảnh và tạo được hiệu ứng lan tỏa khá lớn trong cộng đồng mạng.

Cũng giống như "Sunny", "Tháng Năm Rực Rỡ" kể về câu chuyện của Hiểu Phương (Hồng Ánh) tình cờ gặp lại người bạn cũ Mỹ Dung (Thanh Hằng) đang mắc bệnh hiểm nghèo. Mỹ Dung cũng chính là trưởng nhóm Ngựa Hoang ngày xưa, ghi dấu những năm tháng tươi đẹp nhất của Hiểu Phương. Xót xa trước tình cảnh của bạn, Hiểu Phương quyết tâm tìm lại các thành viên của nhóm Ngựa Hoang để giúp Mỹ Dung hoàn thành tâm nguyện gặp lại bạn bè. Và đó cũng chính là hành trình gợi nhớ lại cho cô những năm tháng rực rỡ nhất đời mình.

Giữ nguyên tinh thần của nguyên tác Hàn Quốc Sunny, phiên bản Việt Nam mạnh dạn lược bỏ, thêm thắt kịch bản, đẩy xúc cảm người xem lên cao nhất. Đồng thời, phim Tháng năm rực rỡ trau chuốt từ bối cảnh Đà Lạt thơ mộng, từng góc quay khơi gợi cảm xúc cho đến phần âm nhạc đa dạng nhưng hài hòa.

Bên cạnh đó, khả năng diễn xuất tự nhiên, không hề gượng ép của cả 12 diễn viên chính đều tạo được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Có thể nói, đạo diễn Dũng "Khùng" đã có những lựa chọn chính xác với dàn diễn viên của "Tháng năm rực rỡ".

Tính đến hết ngày 11/3, "Tháng năm rực rỡ" đã thu hút gần 500 ngàn lượt khán giả tới rạp và đạt mức doanh thu 35 tỉ đồng.

Em là bà nội của anh

"Em là bà nội của anh" thực sự là bom tấn của điện ảnh Việt vào thời điểm phát sóng khi trụ rạp tới hơn 2 tháng và mang về doanh thu hơn 102 tỷ đồng, chính thức trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam, phá vỡ kỉ lục doanh thu được xác lập vào đầu năm 2015 của Để Mai Tính 2 (101 tỉ).

Bộ phim được chuyển thể từ bản gốc Hàn Quốc "Miss Granny", "Em là bà nội của anh" xoay quanh bà Đại (NSƯT Minh Đức), một bà lão 70 tuổi đã dành cả thời thanh xuân để nuôi dạy con trai nên người, sau khi chồng chẳng may hi sinh nơi mặt trận. Vốn kỹ tính, lại có phần cộc cằn, nên bà thường phiền lòng cô con dâu lơ đễnh (Hồng Ánh). Điều này khiến gia đình hay lời ra tiếng vào, bà Đức cũng rất tủi thân. Một lần ghé vào tiệm chụp ảnh mang tên “Mãi mãi tuổi thanh xuân”, khi bước ra bà Đại “hoảng hồn” khi nhìn thấy mình trong gương là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp (do ca sĩ/ diễn viên Miu Lê thủ vai).

Đổi tên thành Thanh Nga theo tên nghệ sĩ cải lương thần tượng, “bà” Đại quyết định xem đây là một phép màu mà trời ban tặng, tiếp tục theo đuổi đam mê ca hát mà mình đã bỏ lỡ từ lâu. Tuy nhiên trong cuộc đời mới mẻ này, nàng Thanh Nga lại vướng vào “tình tay tư” với ba người đàn ông cùng có tình cảm với cô, oái oăm thay trong đó còn có cậu cháu trai ruột (Ngô Kiến Huy).

"Em là bà nội của anh" giữ được khá nguyên vẹn cái hài hước gần gũi lẫn tính nhân văn của nguyên tác. Phần âm nhạc là một điểm cộng dành cho bộ phim. Lựa chọn những ca khúc cổ điển của Trịnh Công Sơn hay thậm chí là cải lương, pha trộn với nhạc pop, rock hiện đại mang đến cho khán giả bữa tiệc âm nhạc thực sự. Còn tuổi nào cho em và Mình yêu nhau từ bao giờ dưới sự thể hiện của Miu Lê là hai khoảnh khắc đầy xúc động của tác phẩm.

Đáng chú ý hơn nữa, sau khi xác lập kỉ lục phòng vé mới cho điện ảnh Việt, "Em là bà nội của anh" tiếp tục vươn khỏi lãnh thổ nước nhà, đến với khán giả quốc tế khi được trình chiếu tại các nước như Úc, New Zealand và Thổ Nhĩ Kì.

Bạn gái tôi là sếp

Khoảng đầu năm 2017, điện ảnh Việt chứng kiến một tác phẩm remake ra rạp là Bạn sái tôi là sếp. Bộ phim bắt đầu từ chuyện một ngân hàng có quy định cấm nhân viên yêu nhau. Dù vậy, sếp nữ khó tính tên Oanh (Miu Lê) lại lén lút hẹn hò với chàng nhân viên Cường (Đỗ An). Để tiến tới hôn nhân, một trong hai người phải nghỉ việc tại công ty.

Do sai sót, một cây ATM ở Cần Thơ cho tiền gấp bốn lần bình thường. Một số người phát hiện ra điều này liền chiếm đoạt số tiền dư. Oanh và Cường cùng đến giải quyết và tự đặt ra trò cá cược: ai thu hồi được khoản tiền trước sẽ không phải bỏ việc. Mọi việc lúc đầu tưởng đơn giản, nhưng rồi các tình huống trớ trêu liên tiếp xảy ra khiến nhiệm vụ của họ bội phần khó khăn.

Tại Thái Lan, ATM Erak Error (2012) đã rất thành công. Khi chuyển thể sang phiên bản Việt, đạo diễn Hàm Trần đã Việt hóa kịch bản một cách nhuần nhuyễn, tạo nên sự duyên dáng, hài hước nhưng tiết chế cái “nhảm”. Tạo hình của phiên bản Việt cũng độc đáo và đa dạng hơn. Bộ phim được đánh giá là gần gũi và dễ xem hơn hẳn nguyên tác.

Miu Lê tiếp tục chứng tỏ sự duyên dáng khi diễn hài tình cảm bên cạnh một Đỗ An thư sinh, ngố ngố mà đáng yêu cùng dàn nhân vật phụ "lầy lội" do Lê Khánh, Ngọc Thảo... đảm nhận.

Đó chính là lý do khiến phim được khán giả yêu thích, luôn cháy vé, cán mốc 16 tỉ đồng với gần 230.000 lượt người xem chỉ trong 4 ngày công chiếu.

Sắc đẹp ngàn cân

Được PR khá rầm rộ với nhà sản xuất là Trương Ngọc Ánh, cùng cặp đôi diễn viên chính là trai xinh gái đẹp Minh Hằng - Rocker Nguyễn, nhưng đáng tiếc "Sắc đẹp ngàn cân" phiên bản Việt lại là "bom xịt".

Sắc đẹp ngàn cân là bộ phim được làm lại từ một bộ phim rất nổi tiếng của Hàn Quốc là 200 Pounds Beauty ra mắt năm 2006. Chuyện phim kể về Hà My (Minh Hằng) – một cô nàng béo ú nhưng có giọng hát ngọt ngào. Do không có nhan sắc nên cô không thể tỏa sáng trên sân khấu mà chỉ có thể đứng sau hậu trường hát thay giọng cho Jolie xinh đẹp, sexy nhưng hát dở.

Hà My sau nhiều tình huống “dở sống dở chết” cảm thấy bị trêu đùa và ghẻ lạnh, đời sống tình cảm thiếu thốn và cô độc. Sau khi tìm đến cái chết không thành công, Hà My đã chọn làm lại cuộc đời bằng phẫu thuật thẩm mỹ. Đam mê ca hát, lại sở hữu vẻ đẹp xiêu lòng, đi đến đâu cũng được yêu quý, Hà My đổi tên thành Lily và bắt đầu tấn công “showbiz”, giấu thân phận năm xưa và phủ nhận chuyện đẹp nhờ dao kéo.

Bản gốc vốn dĩ nổi tiếng toàn châu Á nên áp lực cho bản Việt là rất lớn. Vậy nhưng thay vì mang tới một bất ngờ thú vị thì "Sắc đẹp ngàn cân" lại để lại nỗi thất vọng bởi phim được đánh giá là giống bản gốc tới từng phân cảnh, nhưng tất cả cứ trôi qua tuồn tuột không để lại cảm xúc gì.

"Sắc đẹp ngàn cân" quá chú trọng vào kỹ thuật mà chưa thấu hiểu tâm lý vốn có nhiều khác biệt giữa hai đất nước Hàn Quốc và Việt Nam. Phiên bản Việt bị nhiều người đánh giá là không có sự logic liền mạch đủ để thuyết phục khán giả. Đoạn đầu của phim có quá nhiều biến chuyển, tâm lý nhân vật thay đổi liên tục khiến người xem cảm thấy chưa đủ dẫn chứng để tin vào câu chuyện. Đoạn giữa lại vừa thừa vừa thiếu vì cách sắp xếp tình huống, tâm lý và cảm xúc đan xen không đều. Không chỉ có vậy, câu chuyện tình yêu của cặp đôi chính chưa có chiều sâu khiến khán giả không cảm nhận được tình cảm sâu sắc giữa họ.

Ngoài ra, diễn xuất của bộ ba nhân vật chính do Minh Hằng - Rocker Nguyễn và Phương Trinh Jolie đảm nhận lại không quá xuất sắc, chỉ dừng lại ở mức tròn vai nên không tạo được ấn tượng cho khán giả.

Yêu đi, đừng sợ!

“Yêu đi, đừng sợ!” là bộ phim Việt hóa tác phẩm Spellbound của Hàn Quốc. Phim xoay quanh câu chuyện tình của ảo thuật gia Tùng (do Ngô Kiến Huy đóng) và Phương (Nhã Phương đảm nhận). Tùng là ảo thuật gia kinh dị nhưng lại rất sợ ma. Phương là phụ tá của Tùng, từng gặp tai nạn và từ đó có khả năng đặc biệt là có thể nhìn thấy ma. Tùng đã có bạn gái nhưng dần bị Phương thu hút. “Yêu đi, đừng sợ!” kết hợp khéo léo giữa ba thể loại kinh dị, hài và lãng mạn.

Không quá xuất sắc và tạo được tiếng vang lớn, nhưng "Yêu đi, đừng sợ" của cố đạo diễn Stephane Gauger được đánh giá là một tác phẩm tạm ổn, đặc biệt là khi so với một "Sắc đẹp ngàn cân" nhạt nhòa vừa công chiếu. Hơn nữa hai diễn viên chính là Ngô Kiến Huy và Nhã Phương dù đôi khi còn thể hiện non nớt nhưng cũng khá có duyên.

Ngô Kiến Huy vào vai ảo thuật gia rất “mượt”, những cảnh sợ ma rất tự nhiên, còn những cảnh tình cảm với Nhã Phương cũng không có điểm nào chê.

Nhã Phương quá hợp vai cô gái có khả năng nhìn thấy ma. Cảnh nhậu say từ ngay đầu phim đã thấy độ “điên” và “lầy” một cách tự nhiên, không gượng của Nhã Phương. Cái giọng nhè nhè khi say làm khán giả bật cười thoải mái. Biểu cảm khuôn mặt cũng rất tốt. Sự kết hợp giữa cô và Ngô Kiến Huy quá ăn ý, nói dễ hiểu là “Cặp đôi hoàn hảo”.

Hơn nữa, thay vì bên nguyên xi chất liệu từ phim Hàn, "Yêu Đi Đừng Sợ" có trang phục, bối cảnh, góc quay, ánh sáng… mang hơi hướng phương Tây nhiều hơn, tạo điểm nhấn thú vị cho phim.

Vi An (T/h)

Tin nổi bật