Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phim truyền hình: Nhiều khán giả nhìn thấy trang phục đã bật khóc vì nhớ về tuổi thơ!

(DS&PL) -

Vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam đã phát triển vượt bậc với những bộ phim đình đám, tạo nên cơn sốt cho nhiều khán giả...

Vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam đã phát triển vượt bậc với những bộ phim đình đám, tạo nên cơn sốt cho nhiều khán giả... Ngoài kịch bản phim, diễn viên, bối cảnh thì trang phục cũng là yếu tố được các đạo diễn, nhà sản xuất đặc biệt chú trọng,... Phía sau những bộ cánh của nhân vật cũng có nhiều điều phải nói, thậm chí ở một số bộ phim, trang phục đang là điều khiến dư luận “dậy sóng”.

Một phim 10 nhãn hàng tài trợ

Hai năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam đã “làm mưa làm gió” trên các kênh sóng của VTV, VTC và một số đài truyền hình địa phương, có thể kể đến một số bộ phim như: Zippo, mù tạt và em; Tuổi thanh xuân; Chiều đi ngang phố cũ; Sống chung với mẹ chồng; Người phán xử, Ngược chiều nước mắt; Thương nhớ ở ai...

Với những kịch bản đặc sắc, đi sâu vào đời sống của khán giả, những bộ phim này đã làm tròn nhiệm vụ của mình khi đưa đến cho người xem những câu chuyện đặc biệt, vừa đời, vừa gần gũi và dễ hiểu. Và trang phục trong các bộ phim này cũng có nhiều câu chuyện phía sau được khán giả quan tâm.

Một cảnh trong phim "Thương nhớ ở ai".

Đạo diễn Ngọc Tuấn cho biết: “Trang phục làm nên 50% thành công của vai diễn. Bởi, nhân vật nào, trang phục nấy, bao nhiêu nhân vật là từng ấy trang phục mà người làm phục trang cho phim phải tính toán kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ nhất, từ đường kim mũi chỉ hay những chi tiết trên trang phục... để thể hiện đúng tính cách của mỗi nhân vật trên phim. Nhiều khi nhân vật xuất hiện với trang phục như thế nào, thì khán giả sẽ đoán được tình huống sẽ xảy ra với bối cảnh ở đâu, tính cách nhân vật ra sao. Bởi vậy, một số đoàn làm phim cũng đầu tư số tiền kha khá về trang phục để nhân vật của mình xuất hiện tươm tất nhất”.

Khi được hỏi về trang phục của các đoàn làm phim, đạo diễn Vũ Minh Trí (đạo diễn phim Ngược chiều nước mắt) cho PV báo ĐS&PL biết: “Một số đoàn làm phim đầu tư số tiền “khủng” để mua trang phục cho diễn viên. Những vai diễn mang màu sắc lịch sử trong các phim cổ trang thường không thể thuê hay mượn được nên đạo diễn sẽ đặt hàng nhà thiết kế. Ở những bộ phim thể loại này, trang phục rất quan trọng, nếu “sai một ly sẽ đi một dặm”.

Bởi, nhân vật lịch sử ở thời nào, thì có trang phục thời đó, nếu sai chắc chắn sẽ phải đón nhận những phản ứng gay gắt từ khán giả cũng như các chuyên gia. Với những bộ phim truyền hình hiện đại, việc đầu tư trang phục “nhẹ nhàng” hơn. Diễn viên có thể “tận dụng” trang phục của mình hoặc dùng trang phục của nhà tài trợ...”.

Diễn viên Thuý An (người đóng vai Hương phố trong phim Người phán xử) chia sẻ: “Ở các phim truyền hình hiện đại, trang phục của diễn viên được tính toán khá kỹ. Ngay từ khi nhận được kịch bản và phân vai chúng tôi đã phải biết “gu” trang phục của nhân vật. Trang phục phải được sử dụng phù hợp với hoàn cảnh và tính cách của nhân vật.

Thông thường đoàn phim sẽ nhận được lời mời tài trợ của các nhãn hàng thời trang nên các diễn viên không phải chuẩn bị trang phục. Tùy theo từng vai mà nhãn hàng sẽ chuẩn bị các set đồ cho phù hợp. Đây là xu thế mới của nhiều đoàn phim truyền hình”.

Nhà sản xuất phim Lê Mạnh cho hay: “Các bộ phim truyền hình hiện nay có kịch bản hiện đại, nên nhiều nhãn hàng muốn tài trợ trang phục cho diễn viên. Việc quảng cáo nhãn hàng thời trang ăn theo sức nóng của bộ phim luôn có sức lan toả rất tốt. Khi tài trợ tên thương hiệu, nhãn hàng sẽ đồng hành cùng bộ phim cho đến những tập cuối. Chính vì vậy mới có chuyện một bộ phim truyền hình dài tập mà có đến gần 10 hãng thời trang xin tài trợ trang phục cho diễn viên”.

Yếu tố làm nên thương hiệu

NSND Lan Hương cho PV báo ĐS&PL biết: “Khi vào phim Sống chung với mẹ chồng, tôi đọc rất kỹ kịch bản, nghiên cứu về tính cách, gu thẩm mỹ của bà Phương trong phim. Vì vậy, tôi đã phải tự tay đi may quần áo để mặc trong phim. Vì nhân vật của tôi là một người phụ nữ tiết kiệm, căn cơ, nên quần áo bà ấy mặc cũng rất giản dị, xuề xoà, một số bộ tôi phải mua, một số bộ phải ra nhà may nhờ họ thiết kế cho. Có thể nói, trang phục trong phim cũng là một yếu tố làm nên thương hiệu của bộ phim. Ngoài trang phục thì các phụ kiện đi kèm như: Kính mắt, kiểu tóc, giày dép... tôi cũng phải tính toán sao cho phù hợp với nhân vật trong phim”.

NSND Lan Hương chia sẻ thêm, chị còn nhận được lời mời tham gia một số phim ngắn với tạo hình, trang phục giống hệt bà Phương trong phim, nhưng đã từ chối.

“Tôi cho rằng, mỗi bộ phim có một sự nhận diện riêng và trang phục của vai diễn cũng là một kênh để nhận ra điều đó. Một số nơi khi mời đóng quảng cáo, đóng phim ngắn yêu cầu tôi mặc trang phục, đeo kính và tóc y như trong Sống chung với mẹ chồng, nhưng tôi không đồng ý. Bởi, mỗi bộ phim đều có giá trị riêng và tôi không muốn bị lẫn lộn trang phục phim này với phim kia” – NSND Lan Hương bộc bạch.

Trang phục của các diễn viên trong bộ phim Thương nhớ ở ai cũng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi để diễn viên mặc áo yếm không có áo lót bên trong.

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, diễn viên Trương Phương – người đóng vai Tí Hin trong phim này chia sẻ: “Ở phim Thương nhớ ở ai, đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh đã làm việc rất nghiêm túc, khiến cho những diễn viên như chúng tôi cũng phải làm việc theo một guồng quay chuyên nghiệp. Vì vậy, vấn đề trang phục được đặt lên hàng đầu.

Bộ phim quay ở bối cảnh miền Bắc những năm 1954 - 1975, mà thời gian đó, phụ nữ chưa có áo ngực như bây giờ để mặc, có thể hiểu rằng, áo ngực của họ chính là áo yếm. Nếu chúng tôi mà mặc nội y, có khi sẽ bị khán giả "ném đá" là làm sai lệch lịch sử ấy chứ. Chúng tôi mặc áo yếm không nội y là tôn trọng kịch bản, tôn trọng lịch sử và tôn trọng cả vai diễn của chính mình”.

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh kể về việc làm trang phục trong phim Thương nhớ ở ai: “Chúng tôi đã phải sử dụng đến hơn 2.000 bộ trang phục cho các diễn viên trong phim, được chia làm 3 thời kỳ, với nhiều dáng khác nhau. Trang phục của phim một phần được may mới, một phần đi thuê. Tất cả các trang phục may mới toàn bộ đều được làm thủ công chứ không dùng máy may. Chính vì thế, những trang phục của Thương nhớ ở ai mới gần gũi với thời kỳ lịch sử mà nhiều khán giả đã trải qua và mang đến nhiều cảm xúc cho người xem”.

Lạc Thành

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 49

Tin nổi bật