Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phim cổ trang Việt đang tụt hậu hay khán giả quá khắt khe?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Chắc hẳn nhiều người Việt rất ngậm ngùi khi xem những bộ phim cổ trang Hàn Quốc, Trung Quốc... “tung hoành” từ màn ảnh rộng tới sóng truyền hình.

(ĐSPL) - Chắc hẳn nhiều người Việt rất ngậm ngùi khi xem những bộ phim cổ trang Hàn Quốc, Trung Quốc... “tung hoành” từ màn ảnh rộng tới sóng truyền hình. Ấy nhưng, mỗi khi một bộ phim cổ trang “made in Viet Nam” ra mắt thì dư luận lại “ném đá” không thương tiếc. Hiện nay, thể loại phim này đang phải đối mặt với một nghịch lý: Làm cũng bị chê mà không làm cũng bị trách!

Phim "Mỹ nhân" thất thu phòng vé do bị khán giả quay lưng.


Trông người lại ngẫm tới ta

Có một thực tế phải thừa nhận là dòng phim cổ trang Việt phát triển chậm hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tính từ năm 1990 trở lại đây, Việt Nam có khoảng trên 40 bộ phim cổ trang các loại – một con số quá khiêm tốn. Mặc dù hiện nay chúng ta chưa thống kê được Trung Quốc, Hàn Quốc sản xuất bao nhiêu bộ phim cổ trang mỗi năm.

Thế nhưng, khảo sát nhỏ của PV báo ĐS&PL đã cho thấy nhiều thông tin thú vị. Cụ thể, trên website xem phim online có tên Phimbathu.com cho thấy, năm 2015, trang web này giới thiệu tới khán giả 15 bộ phim cổ trang Hàn Quốc và gần 50 phim cổ trang Trung Quốc (bao gồm cả thể loại điện ảnh và truyền hình). Một con số ấn tượng.

Bên cạnh số lượng “khủng” thì chất lượng những bộ phim của nước bạn được đánh giá rất cao. Nhiều bộ phim đã “làm mưa làm gió” trên truyền hình và tạo thành những trào lưu ăn theo rầm rộ của cộng đồng mạng. Chúng ta có thể liệt kê ra hàng tá những bộ phim như: Võ Tắc Thiên, Bộ bộ kinh tâm... (phim Trung Quốc), Hậu duệ mặt trời, Vì sao đưa anh tới ... (phim Hàn Quốc). Trào lưu chế ảnh ăn theo nhân vật Võ Tắc Thiên (trong phim Võ Tắc Thiên) hay chế ảnh quân phục lính Hàn (trong phim Hậu duệ mặt trời) từng khiến báo giới tốn không ít giấy mực.

Nếu đem so sánh với những cường quốc phim cổ trang như vậy, rõ ràng phim cổ trang Việt đang bị tụt hậu khá xa. Chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Vương Đức, Giám đốc hãng Phim truyện Việt Nam ý kiến: “Tôi cho rằng, chúng ta không nên đặt ra phép so sánh. Trung Quốc hay Hàn Quốc đều rất có tiềm lực trong lĩnh vực này. Họ có cơ sở vật chất tốt, diễn viên được đào tạo bài bản, đội ngũ tư vấn và ê- kíp làm phim chuyên nghiệp. Điều quan trọng hơn cả là họ có kinh phí. Để thực hiện một dự án phim cổ trang, họ sẵn sàng chi ra cả trăm triệu USD trong khi ở Việt Nam chưa có bộ phim nào vượt quá 2 triệu USD. Đó là chưa kể họ có nền tảng cơ bản, từ nội lực văn hóa, kinh nghiệm, phim trường, kỹ thuật, khả năng áp dụng công nghệ vào sản xuất phim... Vì thế, việc so sánh như vậy rất khiên cưỡng”.

Tất nhiên không có nghĩa là mọi phim cổ trang Việt đều dở và phim do nước bạn sản xuất đều hay. Ngay cả bộ phim đình đám Võ Tắc Thiên khi ra mắt cũng bị khán giả Trung Quốc phản đối dữ dội do phục trang quá gợi cảm và không phù hợp với truyền thống. Trong khi giới phê bình điện ảnh trong nước đánh giá rất cao bộ phim Long Thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn) vì khả năng truyền tải nhiều thông điệp văn hóa.

Đạo diễn Vương Đức cũng thừa nhận điều này và phân tích: “Điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc có rất nhiều phim cổ trang hay nhưng bên cạnh đó cũng có những bộ phim tệ. Chẳng qua khán giả Việt không được tiếp xúc với những tác phẩm chất lượng thấp đó mà thôi. Và vì khán giả toàn được xem những bộ có kịch bản hấp dẫn, diễn viên đẹp và diễn xuất hay nên họ mặc định phim nước ngoài sản xuất đều hay. Đây là định kiến mà nhiều rất người hay mắc phải”.

Từ thực tế trên, đạo diễn Ngô Quang Hải đưa ra một hệ quả tất yếu: “Phim cổ trang Việt vốn thiếu và yếu, nay lại phải chịu thêm sức ép lớn từ những bộ phim do các cường quốc phim cổ trang như Trung Quốc, Hàn Quốc sản xuất nên việc so sánh là điều không thể tránh khỏi. Phim nước bạn được đầu tư kỹ lưỡng, sử dụng công nghệ cao... nên thu hút khán giả là điều đương nhiên. Còn phim của ta thiếu và yếu mọi thứ nên bị khán giả quay lưng và đem ra so sánh”.

Đạo diễn Ngô Quang Hải.

Định kiến khó bỏ?

Những phản biện và góp ý của khán giả là vô cùng cần thiết để một bộ phim có thể hoàn thiện hơn. Thế nhưng hình như dư luận đang quá khắt khe với dòng phim vốn còn nhiều khó khăn như phim cổ trang. Nhiều bộ phim do gặp phải sự phản đối của dư luận mà không thể khởi chiếu hoặc nếu “cố đấm ăn xôi” thì cũng bị chết yểu. Tiêu biểu cho trường hợp này chính là phim Mỹ nhân. Được Nhà nước đầu tư 16 tỉ đồng nhưng ngay ở trailer đầu tiên, bộ phim đã vướng phải lùm xùm về trang phục (sử dụng hình ảnh nhân vật hoạt hình Vua sử tử làm bổ tử trên quan phục). Sự việc ầm ĩ kéo dài sau đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu phòng vé khi bộ phim của đạo diễn Đinh Thái Thụy không thể trụ lại tại các rạp quá một tuần và thu về số tiền chỉ gần 500 triệu đồng.

Chính sự khắt khe và tư tưởng sẵn sàng “ném đá” của dư luận đã khiến nhiều nhà sản xuất e dè trong việc làm phim cổ trang. Chính đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng phải thốt lên đầy chua chát rằng: Có nhiều người luôn chê phim cổ trang Việt bất luận nó hay hay dở. Tại sao vậy? Vì trong đầu họ chứa đầy những hình ảnh của phim nước ngoài nên họ sẵn sàng so sánh. Với những định kiến cố hữu này thì dù nhà sản xuất có cố gắng Việt hoá phim đến mấy cũng không thể nào tránh được tình trạng bị chê”.

Đồng tình với quan điểm này, đạo diễn Ngô Quang Hải nhận định: “Khi khán giả xem phim, họ thường có những nhận xét và chỉ ra một vài yếu tố giống với phim Trung Quốc và coi đó là những yếu tố lai căng. Họ dùng cái thẩm mỹ vốn bị ảnh hưởng bởi phim nước ngoài để đánh giá, so sánh và khoác cho bộ phim đó một cái áo theo ý người ta muốn”.

Nói như vậy không có nghĩa chúng ta cổ súy cho việc phóng tác khi làm phim lịch sử. Nhưng qua đây, nhiều người cũng thấy, phim cổ trang Việt hiện còn gặp rất nhiều vấn đề khó khăn và thách thức. Từ việc thiếu những kịch bản hay, thiếu kinh phí, không có trường quay chuyên nghiệp... cho tới khâu tuyển chọn diễn viên đều không dễ dàng. Trong khi dòng phim này ở các nước bạn phát triển rầm rộ thì ở ta, mọi chuyện vẫn chỉ đang bắt đầu.

Thiết nghĩ chúng ta cũng không nên quá khắt khe với phim nước nhà. Hãy tạm coi đó là những điểm cộng (dù nhỏ bé) để khích lệ dòng phim này tiếp tục phát triển và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Việc “nhặt sạn” có thể góp phần làm ra nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng nhưng cũng có thể giết chết nó.

Cần có nhiều người dám nhận việc khó về mình

Đạo diễn Ngô Thanh Vân chia sẻ: “Đầu tư cho phim cổ trang tốn chi phí cho trang phục, đạo cụ ... hơn so với thể loại khác. Do đó kinh phí làm phim cũng bị đẩy lên rất cao. Tôi đã mất nhiều năm để đầu tư cho những dự án cổ trang khiến nhiều bạn bè thắc mắc về việc tự làm khó mình. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, nếu tôi (và nhiều người khác nữa) không dám đương đầu vào lĩnh vực đầy khó khăn này thì nền điện ảnh của chúng ta đâu thể đa dạng hóa và phát triển mạnh mẽ được”.

PHẠM THIỆU - NGUYỄN THẮM

Xem thêm video Giải trí:

[mecloud]OG9S1pgq2w[/mecloud]

Tin nổi bật