(ĐSPL) - Bất chấp sức ép và ve vãn của Bắc Kinh, Philippines vẫn theo đuổi vụ kiện Trung Quốc về các yêu sách chủ quyền quá đáng ở Biển Đông.
Bản ghi nhớ - hay luận chứng cáo buộc Trung Quốc – sẽ được đệ trình lên Tòa án trọng tài Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) vào ngày Chủ nhật 30/3, đúng hạn định.
|
Philippines vẫn kiện “đường 9 đoạn” Trung Quốc |
Phát biểu với các nhà báo tại Manila ngày 28/3, bà Abigail Valte - phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Benigno Aquino - khẳng định rằng chính quyền Manila vẫn tiếp tục xúc tiến các thủ tục tố tụng, bất chấp những lời cảnh cáo của Trung Quốc về nguy cơ tổn hại quan hệ song phương.
Tuyên bố khẳng định tiếp tục vụ kiện ngày hôm nay của Phủ Tổng thống Philippines là lời đáp trả của Manila. Theo bà Valte, chính quyền Philippines thừa hiểu là phán quyết của tòa án Liên Hợp Quốc có thể không có khả năng thực thi.. Tuy nhiên một quyết định thuận lợi cho Philippines sẽ củng cố lập trường của Manila.
Trong đơn kiện của mình, Philippines cáo buộc rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng Biển Đông cách xa Trung Quốc đến 870 hải lý (1.611 km) đều bất hợp pháp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà hai bên đều ký kết năm 1982.
Mặc dù Trung Quốc yêu cầu trì hoãn, Philippines vẫn nộp đơn kiện lên LHQ vào ngày 30/3, thách thức yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thách thức cái gọi là “đường 9 đoạn”
Theo ABC CBN News.com, Bản ghi nhớ của Philippines sẽ được đệ trình lên Tòa án trọng tài Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại The Hague (Hà Lan), thách thức cái gọi là bản đồ "đường 9 đoạn" của Trung Quốc.
Theo cái gọi là bản đồ "đường 9 đoạn" (hay "đường lưỡi bò"), Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, trong khi Philippines và ba nước Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền khác nhau đối với một phần của vùng biển này.
Các nguồn tin cho biết thông qua "cửa hậu", chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Tổng thống Aquino hoãn nộp đơn kiện này. Việc trì hoãn nộp đơn kiện lên Tòa án trọng tài UNCLOS sẽ được xem là dấu hiệu sẵn sàng của Manila trong việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, một nguồn tin dẫn lời quan chức Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc đã thông báo cho Philippines rằng nước này sẽ đáp lại thỏa đáng và sẽ rút tàu công vụ khỏi bãi cạn Scarborough để khôi phục hiện trạng trước ngày 8/4/2012.
Các nguồn tin cho biết Trung Quốc coi đơn kiện mà phía Philippines nộp hồi tháng 1/2013 là một trở ngại cho việc cải thiện quan hệ song phương. Một quan chức Trung Quốc được dẫn lời nói: "Chúng tôi không mong đợi Philippines rút lại đơn kiện bởi vì chúng tôi hiểu rằng niềm tự hào quốc gia bị đe dọa. Nhưng chúng tôi hy vọng quí vị (phía Philippines) có thể trì hoãn (việc nộp Biên bản ghi nhớ lên Tòa án trọng tài UNCLOS)". Quan chức Trung Quốc này nói thêm: "Trong văn hóa của chúng tôi, việc đưa một người nào đó ra tòa chẳng khác gì tấn công anh ta".
Dọa lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông
Phía Trung Quốc cũng cho rằng nếu Philippines hoãn nộp đơn kiện, Bắc Kinh sẽ không thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như nước này từng thiết lập ở Biển Hoa Đông, bao trùm lên cả không phận của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát.
Phía Trung Quốc cũng cho biết một khi "chướng ngại vật" được loại bỏ, Philippines sẽ có nhiều cơ hội kinh tế, trong đó có việc quảng bá Philippines là một điểm hẹn du lịch.
Quan hệ Philippines-Trung Quốc đã trở nên căng thẳng kể từ ngày 8/4/2012, khi tàu chiến duy nhất BRP Gregorio del Pilar của Philippines bắt tàu đánh cá Trung Quốc trong khu vực bãi cạn Scarborough, cách bờ biển đảo Zambales 124 hải lý, và khiến Trung Quốc gửi các tàu Hải giám đến khu vực này.
Trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc đối đầu kéo dài 57 ngày này, hơn 80 tàu Trung Quốc đã bao vây 2 tàu Philippines - một tàu Cảnh sát biển và một tàu khác của Cục Nghề cá và Thủy sản Philippines (thay thế tàu chiến Gregorio del Pilar).
Ngày 4/6/2012, Philippines đã rút ra hai chiếc tàu nói trên và từ đó không cử bất kỳ tàu công vụ nào trở lại khu vực này. Trên thực tế, Trung Quốc đã phong tỏa hoàn toàn bãi cạn Scarborough.
Sau vụ Trung Quốc giành quyền kiểm soát thực tế khu vực bãi cạn Scarborough ở Biển Đông nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Manila hồi tháng 1/2013 đã đệ đơn kiện Trung Quốc trước Tòa án trọng tài Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, nhưng không ngăn được tiến trình tố tụng.
Từ đó đến nay, Trung Quốc vừa tiếp tục lấn lướt Philippines ở những khu vực khác ở Biển Đông đang nằm dưới quyền kiểm soát của Manila – cụ thể là tại Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), nơi có một đơn vị Thủy quân lục chiến Philippines đồn trú - vừa liên tục hù dọa Philippines đòi nước này rút lại đơn kiện.
Ngày 27/1/2014, Các lực lượng vũ trang Philippines thông báo rằng ngư dân Philippines đã bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi, khi họ đến gần bãi cạn Scarborough.
Tranh chấp lãnh thổ hay hàng hải?
Các chuyên gia pháp lý lo ngại rằng Tòa án trọng tài UNCLOS sẽ coi các vấn đề mà phía Philippines nêu ra là tranh chấp lãnh thổ. Tòa án này chỉ phán quyết về tranh chấp trên vùng biển chồng lấn, trong khi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) mới phán quyết về tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, để ICJ phân xử, cả hai bên sẽ phải đồng ý đưa tranh chấp ra trước tòa. Trung Quốc đã từ chối theo kiện trong vụ kiện của phía Philippines.
Trong một phát biểu trước Hiệp hội nữ thẩm phán Philippines hồi đầu tháng này, Thẩm phán Antonio T. Carpio cho biết: "Vụ kiện Trung Quốc của Philippines là chỉ đơn thuần là tranh chấp hàng hải và không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ".
Ông Carpio nói thêm: "Philippines đang yêu cầu Tòa án trọng tài UNCLOS phân xử, nếu 'đường 9 đoạn' của Trung Quốc phủ nhận Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ) đã được UNCLOS đảm bảo. Philippines cũng đang yêu cầu tòa án phán quyết nếu một vài tảng đá ngoi trên mặt nước khi thủy triều lên, như bãi cạn Scarborough, có tạo ra EZZ 200 hải lý hay chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Những tranh chấp này liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng các quy định của UNCLOS".
Trong Bản ghi nhớ, Manila không yêu cầu tòa án phán quyết bên nào sở hữu bãi cạn Scarborough, mà cho rằng bãi cạn này nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và do đó, theo quy định của UNCLOS, Philipppines có quyền độc quyền đánh cá trong khu vực đó.