Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến hai dự thảo Luật

(DS&PL) -

Sáng 14/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ....

Sáng 14/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và Luật Thủy sản (sửa đổi).

Làm rõ việc đổi tên Luật

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi. Sau kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội ở Tổ và tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật gồm 12 chương với 108 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Tại phiên thảo luận sáng 14/8, tên gọi của dự thảo Luật tiếp tục là nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Báo cáo về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, nội dung này hiện có 2 loại ý kiến chính. Theo loại ý kiến thứ nhất, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội và hầu hết ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học tại các Hội thảo đề nghị nên lấy tên Luật là Luật Lâm nghiệp. Tên gọi này phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội dung của dự thảo Luật, qua đó khẳng định lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật, gồm một chuỗi các hoạt động từ bảo vệ rừng, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến, thương mại lâm sản; tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh việc chế biến, thương mại lâm sản, khai thác dịch vụ môi trường rừng. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ tên Luật là Luật Bảo vệ và phát triển rừng vì tên gọi này đã được sử dụng quen thuộc nhiều năm qua, nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng là chủ yếu.

Nêu quan điểm về nội dung này, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng và đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với phạm vi điều chỉnh và nội dung của Luật như dự thảo thì tên gọi Luật Lâm nghiệp là phù hợp. Tên gọi này vừa ngắn gọn, vừa bao quát đầy đủ các nội dung của Luật, thể hiện rõ mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng là đổi mới quản lý hoạt động lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Hơn nữa, tên gọi Luật Lâm nghiệp cũng tạo sự đồng bộ, gắn kết với các văn bản quy định về định hướng Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch phát triển lâm nghiệp và tên gọi hệ thống tổ chức cơ quan quản lý về lâm nghiệp hiện hành.

Ủng hộ việc đổi tên dự án Luật thành Luật Lâm nghiệp, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: “Liệu việc đổi tên như vậy thì tác động liên quan tới bao nhiêu dự án luật đã dẫn chiếu theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, hiện chúng ta chưa rõ”. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga và một số ý kiến cũng băn khoăn nêu câu hỏi khi việc đề xuất sửa tên Luật là Luật Lâm nghiệp, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có những đánh giá toàn diện về tác động của luật hay chưa, việc đổi tên có thực sự không ảnh hưởng tới phạm vi điều chỉnh của Luật như dự thảo đã xây dựng hay không?

Các nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phân loại rừng; chủ rừng; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng; chế biến, thương mại lâm sản; quản lý nhà nước về lâm nghiệp; trách nhiện của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăn sóc và phát triển rừng… tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật trên cơ sở ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần nữa, qua đó hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

Quy định hợp lý về lực lượng Kiểm ngư

Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3. Các cơ quan liên quan gồm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức một số hội thảo, làm việc với các cơ quan liên quan, tham khảo ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Dự thảo Luật có 9 chương, 110 điều, quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thủy sản; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy sản.

Nội dung về lực lượng Kiểm ngư (Chương VI) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, cho ý kiến trong phiên thảo luận. Theo Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều thống nhất có Kiểm ngư Trung ương, riêng Kiểm ngư cấp tỉnh còn có ý kiến khác nhau. Cụ thể: Chính phủ trình cho phép thành lập Kiểm ngư tại tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển; ý kiến khác chỉ thành lập Kiểm ngư ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù.

Nêu rõ hơn về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, hiện tại, lực lượng Kiểm ngư Trung ương đang được tổ chức thành các vùng, hoạt động bảo đảm việc thực thi pháp luật về thủy sản và bảo vệ chủ quyền ở vùng khơi (vùng lộng và ven bờ do thanh tra chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đảm nhiệm). Hiện nay, vi phạm về đánh bắt thủy sản ở vùng lộng và ven bờ đang diễn ra phức tạp, nhiều hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong khi đó công tác thanh tra ở vùng lộng và ven bờ kém hiệu quả do lực lượng thanh tra không có công cụ hỗ trợ; phương tiện, thiết bị kém; đặc biệt là trình tự thủ tục phải thực hiện theo pháp luật về thanh tra, không phù hợp với các hoạt động trên biển để xử lý những tình huống khẩn cấp; chế độ chính sách cho lực lượng này cũng chưa tương xứng, trong khi hoạt động có nhiều rủi ro. Mặt khác, yêu cầu của quốc tế, đặc biệt là EU (thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam) đòi hỏi Việt Nam phải có hệ thống, bộ máy thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật về khai thác thủy sản trên biển đủ mạnh để ngăn chặn được các hành vi đánh bắt bất hợp pháp.

Cơ quan thẩm tra thấy rằng, việc tổ chức lực lượng kiểm ngư ở tỉnh, thành phố ven biển là cần thiết và đề xuất 2 phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Phương án 1: Thành lập Kiểm ngư ở tất cả 28 tỉnh, thành phố có biển như Chính phủ trình. Phương án 2: Chỉ thành lập Kiểm ngư tại một số tỉnh cần thiết, có tính đặc thù, đáp ứng đủ tiêu chí quy định. Theo phương án này, dự thảo Luật đã quy định tiêu chí thành lập cơ quan Kiểm ngư cấp tỉnh tại Khoản 4 Điều 90.

Qua thảo luận, ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định sự cần thiết có lực lượng Kiểm ngư. Nêu quan điểm việc thành lập lực lượng Kiểm ngư ở Trung ương và địa phương là cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề xuất theo phương án 2, thành lập Kiểm ngư tại một số tỉnh làm điểm, sau đó sẽ nhân rộng ra. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn hiện nay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm ngư được quy định tại Nghị định 102, nhưng Ban soạn thảo chưa sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị định này để thấy được lực lượng Kiểm ngư đã hoạt động ra sao từ khi được thành lập. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết để thấy được căn cứ đưa nội dung lực lượng Kiểm ngư vào dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi).

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thấy rằng, xuất phát từ tầm quan trọng của lực lượng Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật thủy sản của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên vùng biển Việt Nam, vì vậy cần đánh giá thực trạng hoạt động của lực lượng này trong thời gian qua. Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tính toán hợp lý tổ chức lực lượng Kiểm ngư trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị định 102.

Các nội dung khác của dự thảo Luật về nguồn tài chính bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản... đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, cho ý kiến cụ thể trong phiên thảo luận.

Tin nổi bật