Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phía sau vương miện Hoa hậu Việt Nam, chuyện giờ mới kể

(DS&PL) -

Nhà thơ Dương Kỳ Anh – Nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong là người có nhiều năm gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (HHVN) ở vai trò Trưởng Ban tổ chức (BTC).

Nhà thơ Dương Kỳ Anh – Nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong là người có nhiều năm gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (HHVN) ở vai trò Trưởng Ban tổ chức (BTC). Trong cuộc trò chuyện mới đây với báo ĐS&PL, ông đã lần đầu chia sẻ về những “góc khuất” ở các cuộc thi người đẹp…

- Chào nhà thơ Dương Kỳ Anh, hậu trường của các cuộc thi HHVN luôn khiến nhiều người tò mò vì có nhiều bí mật, thậm chí có cả những tin đồn mua giải. Ông hãy sẻ chia đôi điều về nó?

Người ta thường nói, một trăm lời đồn chưa phải là sự thật mà nhiều khi, đằng sau sự thật đó còn có một sự thật khác. Vấn đề là bản chất sự thật đó như thế nào. Tôi luôn nói với anh chị em trong làng báo khi chúng tôi tổ chức cuộc thi HHVN là mọi người nên tỉnh táo, thận trọng và khách quan trước mọi vấn đề, mọi lời đồn thổi. Riêng lời đồn về việc mua giải quả thực là tôi không biết. Nhưng, phải nói thật, xã hội càng hiện đại thì càng kéo theo nhiều thứ hệ luỵ. Tuy nhiên, BTC các cuộc thi HHVN sẽ theo các tiêu chí cụ thể để chấm giải công bằng nhất.

- Có bao giờ BTC và ban giám khảo đã phải tranh cãi kịch liệt thì mới tìm ra danh hiệu không thưa ông? BTC hẳn phải rất đau đầu mới tìm được người xứng đáng nhất để đội vương miện?

Thời nào thì vấn đề giám khảo chấm hoa hậu cũng rất quan trọng. Thời của tôi nhiều giám khảo như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố GS. Nguyễn Quang Quyền, NSND Trà Giang,... đều là những người tài, đức và quan trọng nữa là họ có con mắt tinh đời trong việc thẩm định cái đẹp, lựa chọn người đẹp rất chuẩn. Dù vậy, các cuộc họp ban giám khảo nhiều khi cũng rất gay gắt. Ban giám khảo tranh luận là chuyện bình thường, điều quan trọng nằm ở chỗ, đó là những ý kiến xây dựng giúp cuộc thi hoàn thiện hơn.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh và Hoa hậu Hà Kiều Anh năm 1992.

- Một số người cho rằng, các cô gái trẻ hiện nay muốn tham gia các cuộc thi sắc đẹp để có danh hiệu và đi dự… sự kiện, tiến vào showbiz, ông đánh giá gì về hiện tượng này?

Chúng tôi tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam (năm 1988) với mục đích tạo ra một hình thức sinh hoạt văn hóa mới ở nước ta, tạo ra một ngày hội văn hóa nhằm tôn vinh và định hướng về cái đẹp cho tuổi trẻ. Nhưng, ngày nay, hình như không phải vậy, nhà tổ chức cũng như nhiều thí sinh đến với các cuộc thi nhan sắc không chỉ vì cái đẹp mà còn có nhiều mục đích khác nhau.

Có người thông tin đến tôi rằng, bây giờ có cả nghề “đi dự sự kiện” của các người đẹp có danh hiệu, nhưng thú thực chuyện này ra sao thì tôi không rõ lắm. Bây giờ, nhiều cô gái coi nhan sắc là phương tiện để tiến thân, nên họ háo danh. Công nhận, sắc đẹp là một tài sản nhưng phải dùng thế nào cho xứng đáng.

- Hai năm gần đây, một số người đẹp đạt giải tại cuộc thi HHVN như Kỳ Duyên, Huyền My… vướng phải một số ồn ào. Ông có nghĩ, những chuyện này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của cuộc thi HHVN hay không?

Những chuyện ồn ào về các cuộc thi sắc đẹp như vậy trước đây cũng có nhưng ít và nhiều khi là do người ta đồn thổi. Còn hiện nay hình như là nhiều và có người đẹp còn bị ban tổ chức xử lý nữa. Tôi nghĩ, những lùm xùm như thế đều ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc thi nhan sắc được coi là lớn nhất ở nước ta.

Tôi hy vọng, chuyện này sẽ được giải quyết tốt ở những cuộc thi sau. Những thế hệ đầu tiên của HHVN như Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Thu Thủy,... đến với cuộc thi rất trong sáng. Họ trưởng thành bằng phấn đấu, bằng thực lực và đây cũng là tấm gương cho các thế hệ trẻ noi theo.

- Tiêu chí về cái đẹp ở mỗi thời đều có sự thay đổi, tuy không lớn nhưng điều đó cũng làm thay đổi hình ảnh về người đẹp. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Đúng là mỗi thời quan niệm về cái đẹp sẽ có sự thay đổi, nhưng hình ảnh về người đẹp đích thực luôn có những chuẩn mực nhất định. Tôi nghĩ rằng, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam luôn là vẻ đẹp hài hòa giữa hình thể và sự hiểu biết. Tôi thấy cũng buồn vì bây giờ xã hội phức tạp hơn, các cuộc thi sắc đẹp ngày càng có xu hướng thương mại hóa. Vì thế, BTC các cuộc thi cần phải trung thực, khách quan để tìm ra người xứng đáng nhất. Nếu Ban giám khảo công tâm, công bằng thì sẽ tìm được người đẹp có tài và sắc, còn không, sẽ ngược lại.

- Không chỉ cuộc thi HHVN mà ở một số cuộc thi sắc đẹp khác có hiện tượng thí sinh vào vòng trong BTC mới phát hiện ra chuyện khai man, nói dối. Thật đáng buồn đúng không ông?

Đúng vậy, thật đáng buồn vì cái đẹp chính là cái thiện, cái thật. Nhiều người bây giờ vẫn băn khoăn rằng, việc thẩm định hồ sơ từ các vòng loại diễn ra thế nào mà để lọt những trường hợp khai man hồ sơ? Tôi thiết nghĩ, ở trên đời, nhiều khi dù thận trọng đến mấy cũng vẫn có những điều không như ý, có những kẽ hở khó nhận ra. Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhớ lời dặn dò của các cụ ngày xưa “cẩn tắc vô áy náy”. Tôi tin rằng, ở các cuộc thi sắc đẹp, BTC vẫn nỗ lực để có kết quả công bằng, chính xác nhất.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Lạc Thành

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 31

Tin nổi bật