Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phát triển kinh tế tư nhân: Nâng cao nội lực, giảm phụ thuộc vào bên ngoài

  • Hồng Nhung
(DS&PL) -

Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực tư nhân đang ngày càng trở thành ưu tiên rõ rệt của hệ thống chính sách.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi và định hình lại động lực tăng trưởng trong thời kỳ hậu Covid-19, phát biểu tại Hội thảo Khoa học Quốc gia "Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới" tổ chức sáng ngày 10/4, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần tạo dựng vị thế trung tâm cho khu vực kinh tế tư nhân.

Đó không chỉ là sự thừa nhận về vai trò, mà còn là yêu cầu tất yếu để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh công bằng, phát triển bền vững và tự chủ.

Doanh nghiệp tư nhân cần "được phép lớn"

Nêu quan điểm tại sự kiện, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng doanh nghiệp tư nhân,  đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ dù chiếm tỉ trọng lớn về số lượng và đóng vai trò chủ lực trong tạo việc làm, giá trị gia tăng, vẫn chưa có nhiều cơ hội để phát triển tương xứng.

Bà Lan nhận định môi trường kinh doanh hiện nay cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng hỗ trợ đa dạng và thiết thực hơn cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp đang ở quy mô nhỏ, để họ có thể tiếp cận được nguồn lực và mở rộng thị trường.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại Hội thảo.

Vị chuyên gia khẳng định nếu được đối xử công bằng và có chính sách phù hợp, khu vực tư nhân không chỉ phát triển mạnh mẽ mà hoàn toàn có khả năng tạo ra vị thế cạnh tranh lành mạnh, đóng vai trò cân bằng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho cả nền kinh tế. 

"Doanh nghiệp tư nhân không thiếu năng lực, chỉ thiếu môi trường công bằng để phát triển. Và cải cách thể chế nếu được thực hiện nghiêm túc, minh bạch sẽ là chìa khóa để mở cánh cửa đó", bà Phạm Chi Lan nêu.

Ở góc độ chính sách vĩ mô, TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright – nhận định rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động nhanh chóng, việc phát triển mạnh khu vực tư nhân trong nước là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao nội lực và giảm phụ thuộc vào bên ngoài.

Ông phân tích rằng, các trụ cột như FDI và xuất khẩu mang lại nhiều giá trị, nhưng cũng có thể thay đổi khi môi trường quốc tế biến động. 

Do đó, kinh tế tư nhân trong nước nếu được xem là nội lực cốt lõi, trung tâm của chiến lược phát triển quốc gia và phát huy đúng mức có thể trở thành một nguồn lực ổn định, đóng góp lâu dài cho nền kinh tế.

"Chúng ta cần một lời giải mới, khác với các công thức tăng trưởng cũ. Đó là phát triển tư nhân, tăng năng suất, và thông minh trong sử dụng công nghệ – nghĩa là khai thác hiệu quả những gì thế giới đã có, chứ không phải cố chạy đua để trở thành người dẫn đầu công nghệ mọi mặt", ông nói.

Cơ cấu kinh tế là rào cản vô hình nhưng đầy sức nặng

Cũng chia sẻ quan điểm, PGS.TS Bùi Tất Thắng – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển – thì đi sâu vào yếu tố nền tảng là cơ cấu kinh tế. Theo ông, "một khi cơ cấu đã hình thành, nó tạo ra lực quán tính lớn. Nếu không hợp lý, việc sửa chữa rất khó và tốn kém – có khi là bất khả thi".

Vị chuyên gia nhận định, việc thiếu liên kết giữa các loại cơ cấu, thiếu tính hệ thống và một mô hình tăng trưởng rõ nét đang là rào cản lớn.

Tuy nhiên, ông cũng tin rằng cơ hội đang dần hiện hữu khi các xu hướng như chuyển đổi số, công nghệ mới và mô hình sản xuất hiện đại bắt đầu được ứng dụng. "Cấu trúc lại bản thân chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới", ông nói.

Doanh nghiệp tư nhân cần được tạo điều kiện để "lớn".

Nêu quan điểm, TS. Đặng Đức Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực tư nhân đang ngày càng trở thành ưu tiên rõ rệt của hệ thống chính sách.

Theo ông, không chỉ cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam còn cần nâng cao năng lực thực thi, tăng cường tương tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

TS. Đức Anh bày tỏ kỳ vọng rằng với sự quan tâm ngày càng lớn của lãnh đạo cấp cao, khu vực tư nhân sẽ có thêm điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành trụ cột trong mô hình tăng trưởng mới – nơi nội lực quốc gia đóng vai trò trung tâm.

Đây không còn là vấn đề mới, nhưng theo vị chuyên gia, điểm khác biệt hiện nay nằm ở việc nó đã được cụ thể hóa, quyết liệt hơn từ người đứng đầu Đảng và Nhà nước.

Với những thay đổi và quyết tâm của cả bộ máy chính trị, TS. Đặng Đức Anh kỳ vọng rằng khu vực kinh tế tư nhân sẽ bứt phá, đóng vai trò dẫn dắt trong kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.

Tin nổi bật