Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phát triển BHXH với lao động tại các hợp tác xã

(DS&PL) -

Với khoảng 6 triệu thành viên, gần 1 triệu NLĐ thường xuyên, có thể thấy, lao động tại các hợp tác xã hiện đang chiếm một số lượng khá lớn và là nguồn để phát triển số tham gia BHXH.

Mở rộng diện bao phủ BHXH tại hợp tác xã

Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) với lao động và cán bộ quản lý tại hợp tác xã được thực hiện từ năm 2003.

Cụ thể, Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ đã quy định bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là: người lao động, xã viên làm việc và hưởng tiền công theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên trong các hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

Từ năm 2016 đến nay, theo quy định tại Luật BHXH 2014, đã bổ sung đối tượng tham gia BHXH là người lao động, cán bộ quản lý trong hợp tác xã theo hướng toàn diện hơn.

Theo đó, đã sửa đổi hoàn thiện quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. Từ ngày 1/1/ 2018 trở đi, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên trong các hợp tác xã.

Bên cạnh đó, Luật BHXH cũng đã quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó xã viên, người lao động thuộc hợp tác xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, chính sách BHXH đối với người làm việc trong các hợp tác xã được ban hành kịp thời, phù hợp với quá trình phát triển của kinh tế hợp tác và điều kiện, nhu cầu của người lao động, góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo vệ người lao động và thân nhân của họ trước các rủi ro trong quá trình sản xuất, tạo điều kiện cho người làm việc trong hợp tác xã có lương hưu khi hết tuổi lao động.

Các thành viên HTX chè an toàn Long Cốc sử dụng phương pháp hái chè thủ công bằng tay nhằm đảm bảo chất lượng búp chè trước khi đem chế biến sản phẩm chè xanh.

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thành lập mới, tái cơ cấu các hợp tác xã đang hoạt động, tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới,.. góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động làm việc trong các hợp tác xã.

Theo thống kê của bộ LĐ-TB&XH, thống kê ở thời điểm cuối năm 2020, đã có 7.415 đơn vị hợp tác xã và 41.560 người thuộc hợp tác xã tham gia BHXH bắt buộc.

Dư địa tăng trưởng còn lớn

Theo số liệu của liên minh hợp tác xã Việt Nam, đến ngày 31/12/2021, cả nước có 27.342 hợp tác xã, tăng 16.420 đơn vị (gấp 2,5 lần) so với năm 2001; thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho gần 1 triệu người lao động.

Tuy nhiên, số hợp tác xã tham gia BHXH bắt buộc là 7.451 đơn vị chiếm 28,61% số hợp tác xã, số người tham gia BHXH bắt buộc thuộc hợp tác xã là 41.560 người, thực tế chỉ chiếm dưới 2% số lao động thường xuyên tại hợp tác xã.

 

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH bắt buộc thuộc các hợp tác xã còn có có xu hướng không ổn định, tăng, giảm theo từng năm. Trong khi đó, số hợp tác xã tham gia đóng BHXH bắt buộc cho người lao động và xã viên trong hợp tác xã thì lại có xu hướng tăng lên qua từng năm. Điều này có nghĩa là bình quân số người tham gia BHXH bắt buộc bình trên mỗi đơn vị hợp tác xã đang có xu hướng giảm dần.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số đơn vị, số người lao động, cán bộ quản lý trong hợp tác xã đang có xu hướng giảm. Ở thời điểm tháng 10/2021, số người tham gia BHXH thuộc hợp tác xã là 37.646 người (giảm 9,4% so với cuối năm 2020), số hợp tác xã tham gia BHXH là 5.688 đơn vị (giảm 23,66% so với cuối năm 2020).

Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người thuộc hợp tác xã, cơ bản tương đương với mức thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã (4,3 triệu đồng/tháng).

Tuy nhiên, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người thuộc hợp tác xã thấp hơn mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động nói chung. Mức tăng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người thuộc hợp tác xã về cơ bản còn thấp hơn so với mức tăng bình quân tiền lương chung làm căn cứ đóng BHXH (trừ năm 2018).

Mặc dù trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua, Nhà nước đã ban hành, sửa đổi nhiều chính sách BHXH nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong hợp tác xã, nhưng số người thuộc khu vực hợp tác xã tham gia BHXH vẫn còn khiêm tốn so với số thành viên, số lao động làm việc thường xuyên tại các đơn vị này.

 

Để khắc phục những hạn chế nói trên, bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật  BHXH với hợp tác xã, người lao động, thành viên hợp tác xã, bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH phù hợp với nhóm đối tượng tại các đơn vị này.

Theo đó, rà soát, nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương khi sửa đổi Luật BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn để thu hút sự tham gia của người lao động trong khu vực hợp tác xã gắn với đặc thù của khu vực này là nhiều việc làm không chính thức, thu nhập không ổn định.

Ngoài ra cũng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, ổn định việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động làm việc trong các hợp tác xã.

Thu Hà

 

Tin nổi bật