Phạt nguội là một hình thức phạt khi vi phạm luật giao thông, vì thế được thực hiện giống như những hình thức phạt khác. Hiện tại, phòng CSGT đang thực hiện quy trình phạt nguội theo các bước như dưới đây:
- Bước 1: Thu thập hình ảnh vi phạm (từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; hoặc từ tổ chức, cá nhân cung cấp...).
- Bước 2: Xuất trích hình ảnh.
- Bước 3: Lập hồ sơ vi phạm và in thông báo.
- Bước 4: Thông báo cho chủ sở hữu xe.
- Bước 5: Phối hợp với chủ phương tiện để giải quyết trường hợp vi phạm.
- Bước 6: Cập nhật kết quả xử lý và đóng dấu hồ sơ.
Việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe vẫn được áp dụng đối với phạt nguội theo quy định ở Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Ảnh minh họa
Việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe vẫn được áp dụng đối với hình thức này theo quy định ở Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Tùy thuộc vào việc người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm lỗi cụ thể nào để xác định được trường hợp đó có bị tước giấy phép lái xe hay không.
Đối với xe máy
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
- Điều khiển xe chạy vượt quá tốc độ theo quy định trên 20 km/h thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 - 4 tháng.
- Điều khiển xe di chuyển vào tuyến đường cao tốc, trừ một số trường hợp như xe bảo trì, quản lý đường cao tốc thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 - 5 tháng.
Đối với ô tô
- Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang chạy xe trên đường thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng;
- Dừng xe, quay đầu xe, đỗ xe trái quy định pháp luật gây ra ùn tắc giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 -12 tháng.
Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP quy định, người bị phạt nguội có thể nộp phạt theo các hình thức như sau:
- Nộp phạt trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản kho bạc được mô tả rõ ở quyết định xử phạt.
- Thanh toán trực tiếp cho ngân hàng đã được quy định trong quyết định xử phạt.
- Nộp qua hệ thống dịch vụ bưu chính (người vi phạm ghi và ký vào mặt sau của biên bản vi phạm để đăng ký với CSGT).
- Nộp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (dichvucong.gov.vn).
Hai cách phổ biến nhất để tra cứu phạt nguội bao gồm tra cứu từ website của Cục Đăng kiểm Việt Nam và tra cứu tại website Cục CSGT. Trong đó, cách tra cứu ở website của Cục CSGT đơn giản hơn, cụ thể như sau:
Bước 1: Truy cập liên kết https://www.csgt.vn/
Bước 2: Tiếp tục nhập đầy đủ thông tin cho biển kiểm soát (Ví dụ: 59A12345), Loại xe (ô tô, xe máy, xe đạp điện) cùng Mã bảo mật.
Bước 3: Bấm vào nút “Tìm” để xem có vi phạm luật giao thông hay không.
Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định thời hạn thông tin về việc xử phạt chủ sở hữu vi phạm. Vậy nên, trên thực tế, việc chủ phương tiện vi phạm nhận được thông tin trong vòng vài ngày tới vài tháng hoàn toàn có thể xảy ra. Thời gian tùy thuộc vào phát hiện của cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết có liên quan.