Malaysia công bố vừa phát hiện một vận động viên giành được huy chương tại SEA Games 29 dương tính với chất doping.
Phóng viên TTXVN tại Malaysia đưa tin, Thư ký Ủy ban Olympic Malaysia (OCM) Low Beng Choo ngày 5/9 đã xác nhận một vận động viên giành được huy chương tại SEA Games 29 bị phát hiện dương tính với doping.
Ảnh minh họa. (Nguồn: DarkNetMarkets) |
Bà Low cho biết thêm, Ủy ban Y tế và Chống chất kích thích SEA Games Kuala Lumpur 2017 đã chuyển thông tin này đến OCM hôm 4/9. Theo bà Low, hầu hết các vận động viên giành huy chương đều được làm xét nghiệm chất cấm. Trong 2 tuần diễn ra đại hội, các vận động viên khác cũng được làm xét nghiệm một cách ngẫu nhiên.
Theo báo An ninh thủ đô, trước sự quan tâm của người dân Malaysia, BTC SEA Games trấn an khi cho biết VĐV bị phát hiện sử dụng doping không phải của nước chủ nhà. Tuy nhiên thông tin này đủ để gây hoang mang cho các VĐV giành huy chương.
Tại SEA Games 29, có 1.334 huy chương được trao. Trong đó, chủ nhà Malaysia giành nhiều nhất với 323 huy chương, xếp sau là Thái Lan (246), Việt Nam (146)...
Việc lấy mẫu chủ yếu ở các môn thiên về sức mạnh, sức bền như điền kinh, bơi lội hay các môn võ đối kháng. Hầu như tất cả các VĐV giành huy chương tại đại hội vừa qua đều phải kiểm tra doping.
Được biết, trong lịch sử SEA Games có nhiều trường hợp bị tước huy chương sau khi phát hiện có sử dụng doping. Gần đây nhất là trường hợp VĐV đi bộ 20k nữ, Saw Mar Lar Nwe của chủ nhà Myanmar bị tước HCV SEA Games 2013 bị phát hiện dương tính với doping. Song phải gần 2 năm sau khi đại hội kết thúc, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á mới công bố quyết định tước HCV và trao cho người về nhì là Nguyễn Thị Thanh Phúc của Việt Nam trước thềm SEA Games 2015 bắt đầu.
Báo VnExpress cho biết thêm, doping là việc sử dụng các chất hoặc các phương pháp bị cấm nhằm tăng cường thành tích thể thao một cách giả tạo và bất hợp pháp. Hiện nay, có khoảng 190 chất bị cấm nằm trong danh mục doping, nhưng danh sách này sẽ không dừng lại, vì việc sử dụng doping luôn đi trước việc phát hiện ra chúng.
Các chất doping bao gồm chất kích thích, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc tăng đồng hóa, thuốc lợi tiểu, các hormone peptide và đồng đẳng. Ngoài ra, một số chất kích thích quen thuộc như rượu, bia, thuốc gây tê tại chỗ… cũng bị liệt vào danh sách các chất doping.
(Tổng hợp)