Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phát hiện mới về nguyên nhân gây viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em hiện đã được ghi nhận tại 25 quốc gia với ít nhất 348 trường hợp, trong đó có 12 bệnh nhân tử vong.

Theo nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí The Lancet Gastroenterology and Hepatology ngày 13/5, các chuyên gia thuộc Đại học Imperial College London (Anh) cho rằng trẻ mắc viêm gan cấp tính có thể là một biến chứng của COVID-19.

Hầu hết các bệnh nhi đều xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa, sau đó là vàng da, một số trẻ nguy kịch và suy gan cấp tính. Tuy nhiên, các virus viêm gan A, B, C, D, E không được phát hiện trong tất cả bệnh nhi này.

Giới chuyên môn nhận định các ca viêm gan cấp tính gần đây ở trẻ em có khả năng là hậu quả của mắc COVID-19, tiếp theo là nhiễm virus Adeno sau khi xuất hiện một ổ chứa virus trong đường ruột.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em có khả năng là một biến chứng của COVID-19. Ảnh minh họa

Sau khi trẻ mắc COVID-19, virus SARS-CoV-2 có thể di chuyển đến đường ruột, hình thành ổ chứa virus. Virus Adeno xâm nhập rồi cộng hưởng và kích hoạt tế bào miễn dịch lặp đi lặp lại. Nói cách khác, ổ chứa virus “làm nhiễu” tín hiệu phản ứng của hệ miễn dịch, tạo thành các siêu kháng nguyên lặp lại và gây ra phản ứng quả mức trong cơ thể.

Đây cũng là cơ chế khiến nhiều bệnh nhi mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) trong và sau khi mắc COVID-19. Sự xuất hiện của virus Adeno trong ổ chứa virus khiến tác động thêm nặng hơn, dẫn tới các bất thường miễn dịch như viêm gan cấp tính.

Bà Isabella Eckerle, đồng Giám đốc Trung tâm Các bệnh do virus mới ở Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cho biết không thể loại trừ khả năng bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ sau khi mắc COVID-19.

Sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 trong đường tiêu hóa của trẻ sẽ giải phóng liên tục các protein virus trong tế bào biểu mô ruột, kích hoạt tế bào miễn dịch bất thường đã được xác định là cơ chế gây ra MIS-C.

Theo một báo cáo gần đây được đăng tải trên tờ Jerusalem Post, Israel đã ghi nhận 12 trẻ mắc viêm gan cấp tính, trong số đó có 11 trường hợp từng mắc COVID-19.

Chia sẻ với báo chí, các chuyên gia y tế Israel cho biết sau khi loại trừ tất cả các khả năng, đặc điểm chung của tất cả trẻ mắc viêm gan cấp tính ở quốc gia này đều từng nhiễm SARS-CoV-2 khoảng 3,5 tháng trước khi phát bệnh.

Họ cũng lưu ý mắc COVID-19 nặng có thể gây tổn thương gan, đồng nghĩa với việc viêm gan “bí ẩn” có khả năng là một trong những triệu chứng lâu dài của COVID-19.

Trong khi đó, kết quả thống kê cho thấy virus SARS-CoV-2 được xác định trong 18% ca viêm gan ở Anh. Ngoài ra, 11% trẻ có kết quả dương tính khi nhập viện vì viêm gan, 3 trẻ có tiền sử mắc COVID-19 trong vòng 8 tuần trước khi nhập viện vì làn sóng dịch bệnh mới.

Ngày 13/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo 70% trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em từ 16 tuổi trở xuống trong khu vực từng mắc COVID-19. Trong số các bệnh nhi được theo dõi tiến triển, tỷ lệ ca bệnh nặng là 15,4%. Trong số các trường hợp có dữ liệu tiêm chủng, 83,9% chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại về việc cho phép một loại virus mới lây lan không kiểm soát được ở trẻ em khi phần lớn nhóm đối tượng này chưa được tiêm vaccine và biến chứng hậu COVID-19 vẫn chưa được biết đến hết.

Theo các nhà nghiên cứu ở Anh, việc theo dõi phân của trẻ bị viêm gan rất cần thiết trong tình hình hiện tại. Nếu tìm thấy bằng chứng về tình trạng kích hoạt miễn dịch qua trung gian là siêu kháng nguyên của SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu có thể xem xét liệu pháp điều hòa miễn dịch ở trẻ em bị viêm gan cấp tính nặng.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật