Theo thông tin trên VietnamPlus, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định đã có 348 trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân khi nghiên cứu về khả năng liên quan đến adenovirus và COVID-19 đang được tiến hành. Các ca mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân được ghi nhận tại 20 quốc gia, trong khi 70 trường hợp từ 13 quốc gia đang chờ xét nghiệm.
Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 6 quốc gia báo cáo trên 5 ca bệnh, riêng Anh ghi nhận hơn 160 trường hợp. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu vai trò của COVID-19, theo hướng đồng lây nhiễm hoặc từng mắc bệnh.
Các xét nghiệm trong tuần qua cho thấy có khoảng 70% số ca mắc dương tính với adenovirus, cụ thể là chủng phụ 41, liên quan đến chứng viêm dạ dày ruột. Bên cạnh đó, có khoảng 18 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-COV-2.
Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời bác sĩ CKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với các thông tin có được đến nay, bệnh viêm gan “bí ẩn” được đánh giá khá nguy hiểm khi nhiều trường hợp diễn biến nặng cùng tỷ lệ trẻ phải ghép gan, thậm chí tử vong cao.
“Tại các quốc gia phát triển, việc ghép gan khá dễ dàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chi phí cho một ca ghép gan khá đắt đỏ và không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn gan để ghép”, bác sĩ Huyền chia sẻ.
Cha mẹ không nên chủ quan nhưng cũng không tự ý đưa trẻ đi xét nghiệm vì lo lắng bệnh viêm gan bí ẩn. Ảnh minh họa: Freepik
Tuy chưa ghi nhận ca mắc nhưng Việt Nam vẫn cần cẩn trọng, tránh chủ quan vì bệnh có thể xâm nhập bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi nước ta đã bắt đầu mở cửa, thời tiết nóng dần, các dịch bệnh, virus sẽ có điều kiện phát triển.
Dù vậy, bác sĩ Huyền cho rằng các cha mẹ không cần lo lắng thái quá. Việc vội vã tự ý cho trẻ đi xét nghiệm men gan có thể sẽ không phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe của con, đôi khi còn dẫn đến việc bỏ sót các bệnh nguy hiểm khác.
Nếu trẻ có dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa bé đi khám để được nhận chỉ định phù hợp nhất. Trong trường hợp buộc phải xét nghiệm và được bác sĩ chỉ định, cần thực hiện ở cơ sở y tế có độ tin cậy về xét nghiệm cao để cho kết quả chính xác.
Trước một số luồng thông tin cho rằng viêm gan cấp tính “bí ẩn” ở trẻ em có thể do lây từ chó cảnh, bác sĩ Huyền nói "điều này cũng có khả năng vì đây là tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa, tiếp xúc với chó có thể lây mầm bệnh từ chó sang người".
Trên thực tế, chó mèo đã gây ra một căn bệnh khá phổ biến ở người là căn bệnh Toxocara canis (giun đũa chó mèo) lây qua chó mèo nuôi trong nhà. Toxocara canis cũng có gây tổn thương gan song các triệu chứng không rầm rộ như triệu chứng của căn bệnh viêm gan bí ẩn đã được báo cáo.
Theo bác sĩ Huyền, vấn đề cần lưu tâm hiện nay là hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là thời điểm mùa hè đã đến khi các dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa có thể phát triển. Nếu trong gia đình có nuôi chó mèo thì nên tẩy giun cho các loài này định kỳ, vệ sinh sạch sẽ cho vật nuôi.
Trong diễn biến liên quan, báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, hiện có nhiều cha mẹ chia sẻ về việc con phải đi khám bệnh vì nôn và đau bụng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng và nôn ở trẻ em. Tuỳ theo từng nhóm nguyên nhân khác nhau, tình trạng của trẻ có thể diễn biến cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Đau bụng và nôn cấp tính nhiều khi là các dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh nguy hiểm cần phải được can thiệp khẩn cấp.
Chuyên gia tiêu hóa khuyên nếu trẻ bị đau bụng và nôn nhiều hoặc kéo dài, cha mẹ cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở Nhi khoa hoặc chuyên khoa Tiêu hoá nhi khoa để được các bác sĩ thăm khám, chỉ định xét nghiệm xác định nguyên nhân và điều trị hợp lý tránh các biến chứng do tình trạng bệnh kéo dài.
Hiện nay, Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ của viêm gan B. Thống kê của WHO cho thấy tỷ lệ mắc viêm gan B của nước ta là 8.1%. Để phòng bệnh gan nói chung và phòng bệnh viêm gan bí ẩn đang có xu hướng gia tăng hiện nay, các cha mẹ nên thực hiện những việc sau:
- Hướng dẫn trẻ tăng cường phòng bệnh, nhất là vấn đề giữ vệ sinh cá nhân cần đặt lên hàng đầu. Thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Cho trẻ ăn uống hợp lý, cân bằng dinh dưỡng.
- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo để trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Thực hiện ăn chín uống chín, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn…
- Trẻ cần được hoạt động, vận động thường xuyên, đặc biệt là các hoạt động thể thao ngoài trời để nâng cao thể chất, nâng cao hệ miễn dịch. Cha mẹ không nên vì lo lắng quá mà hạn chế trẻ vận động ngoài trời.
Đinh Kim (T/h)