Liên hợp quốc mới đây đã công bố báo cáo cho thấy vụ không kích của quân đội Pháp nhằm vào Mali hồi tháng 1 vừa qua đã cướp đi sinh mạng 19 người dân đang tham dự một đám cưới.
Hôm 30/3, Liên hợp quốc bất ngờ công bố báo cáo rằng vụ không kích của quân đội Pháp nhằm vào khu vực miền Trung Mali hồi tháng 1 vừa qua đã khiến tổng cộng 22 người thiệt mạng, trong đó có 19 người dân bình thường tham gia một lễ cưới. Tuy nhiên, phía quân đội Pháp đã phủ nhận cáo buộc này sau đó.
Khu vực làng Bounti, trung tâm của những trận xung đột. Ảnh: NYT |
Được biết, vào ngày 3/1, máy bay chiến đấu của Pháp đã tiến hành cuộc không kích gần ngôi làng Bounti hẻo lánh. Khi ấy, phía Paris từng tuyên bố vụ việc này không có thiệt hại về người và khẳng định họ chỉ tiêu diệt phiến quân thánh chiến hoạt động tại khu vực. Tuy nhiên, sau đó, những người dân trong ngôi làng cho biết vụ tấn công đã nhằm vào một đám cưới khiến nhiều người thiệt mạng.
Sau thông tin tên, phái bộ Liên hợp quốc tại Mali có tên MINUSMA đã mở một cuộc điều tra về toàn bộ sự việc. Theo đó, trong một báo cáo tóm tắt kết quả điều tra, Liên hợp quốc xác nhận thông tin có một đám cưới được tổ chức tại ngôi làng vào đúng ngày quân đội Pháp không kích, đám cưới này quy tụ hơn 100 người tham gia.
Báo cáo nói thêm rằng trong số những người tham dự đám cưới có khoảng 5 người là phiến quân thánh chiến Katiba Serma được trang bị vũ trang. Bên cạnh đó, Liên hợp quóc khẳng định: "Nhóm bị ảnh hưởng bởi cuộc không kích là người dân được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế".
Hôm 30/3, Bộ Quốc phòng Pháp một lần nữa đã lên tiếng bác bỏ các thông tin này. Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng nước này khẳng định: "Ngày 3/1, các lực lượng vũ trang Pháp đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào nhóm khủng bố vũ trang trú ẩn gần làng Bounti".
Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết họ đã điều tra dựa theo lời tường trình của 115 người dân. Qua đó, Liên hợp quốc đưa ra lời chỉ trích hiếm hoi đối với hành động của Pháp. Ngoài ra, báo cáo của Liên hợp quốc còn cảnh báo: "Hành động của Pháp làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về việc tôn trọng các nguyên tắc ứng xử của các hành vi thù địch".
Được biết, Mali đã phải vật lộn để kiềm chế một cuộc nổi dậy Hồi giáo, bùng phát lần đầu tiên ở miền Bắc đất nước vào năm 2012, trước khi các phong trào này lan sang trung tâm và các nước láng giềng Burkina Faso và Niger.
Trong đó, Pháp đã can thiệp vào tình hình tại Mali từ năm 2013 để đẩy lùi các phần tử thánh chiến. Hiện vẫn có khoảng 5.100 binh sĩ Pháp đang được triển khai trên khắp vùng Sahel bán khô cằn.
Minh Hạnh (Theo AFP)