Nhiều thí sinh, phụ huynh còn phập phồng lo lắng không biết đến khi nào mới diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, và băn khoăn về cơ hội vào cổng trường đại học so với những thí sinh thi đợt 1.
Hàng nghìn thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT đợt 2. |
Lo lắng vì chờ đợi quá lâu
Do diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp trở lại trong giai đoạn này, nhiều địa phương và một số thí sinh thuộc diện F1, F2 đã phải tạm dừng kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra từ ngày 8-10/8. Những thí sinh này sẽ tham gia đợt thi thứ hai, sau khi tình hình dịch bệnh đã ổn định. Tuy nhiên, không ít thí sinh và phụ huynh vẫn còn nhiều lo lắng, băn khoăn với đợt thi thứ hai chưa xác định thời gian và cơ hội xét tuyển vào các trường đại học sẽ ra sao.
Học sinh T.M.T. (lớp 12, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Đà Nẵng) bày tỏ: “Em cảm thấy khá lo lắng do một phần chưa biết đến khi nào mới được thi. Còn lại là lo về kỳ thi đợt 2 sẽ được tổ chức như thế nào, các trường đại học khi đó sẽ tuyển sinh ra sao”.
Thí sinh B.Đ.T. (học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Đà Nẵng) cũng chia sẻ: “Việc Đà Nẵng phải ngừng thi là chuyện bất khả kháng, tuy nhiên, việc phải thi đợt 2 khiến cá nhân em cảm thấy bị ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý thi cử. Và điều khiến em lo lắng, trăn trở bây giờ là phương thức tuyển sinh đại học với các bạn đợt 2 vì em thi khối B mà các trường Y bình thường đã rất cạnh tranh và xét chất lượng học sinh rất kỹ. Không biết những học sinh thi đợt 2 như em sẽ xét tuyển vào các trường “top đầu” nói chung và các trường Y như thế nào”.
Cùng chung nỗi lo lắng ấy, em T.T.M.L. (học sinh lớp 12 trường THPT Phan Châu Trinh, TP.Đà Nẵng) bộc bạch: “Có trường thông báo sẽ không tuyển sinh đợt 2 nếu đợt 1 đã đủ, như thế thì bất lợi có những thí sinh tham dự kỳ thi đợt 2. Em đã đăng ký nguyện vọng vào trường đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, nhưng cho đến thời điểm này, em vẫn chưa thấy trường có đề án tuyển sinh sau khi bộ GD&ĐT thông báo tổ chức thi đợt 2”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Uyển (phụ huynh có con thi đợt 2) chia sẻ: “Nhìn các bạn được thi đúng kế hoạch, con trai tôi cũng thấy khá sốt ruột. Con hay bảo với tôi: “Mẹ ơi, con chỉ muốn thi ngay thôi, kết quả có thế nào cũng được, miễn là được thi để thoải mái tâm lý”. Nghe con nói như vậy, bố mẹ cũng một phần áp lực theo”.
Chị Hoàng Hoài Linh (Hà Nội) cũng cho biết: “Năm nay, cháu tôi thi tốt nghiệp THPT, nhưng thuộc diện thí sinh phải thi vào đợt 2. Điều vô lý nhất là thí sinh phải thi đợt 2 nhưng không được hướng dẫn cụ thể, không được hỗ trợ chứng thực giấy tờ nộp các trường đại học; trong khi các trường thì họ sẽ xét tuyển thí sinh ngay khi có kết quả thi đợt 1. Phụ huynh, học sinh quá mệt mỏi, không biết câu trả lời”.
Cơ hội cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2
Đứng trước trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số địa phương, bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học, về việc điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh 2020. Để đảm bảo tính công bằng, khách quan, đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh trên cả nước, Bộ đề nghị các các trường nâng cao tinh thần trách nhiệm, cùng chia sẻ, phối hợp để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đồng thời điều chỉnh và thực hiện công tác tuyển sinh phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Trên tinh thần tự chủ tuyển sinh và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, bộ GD&ĐT yêu cầu các trường xem xét, phân bổ tỉ lệ chỉ tiêu hợp lý và xét tuyển riêng cho các thí sinh chưa tham dự kỳ thi đợt 1. Các trường điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ và đề án tuyển sinh cho phù hợp, đồng thời, báo cáo về bộ GD&ĐT trước ngày 3/9 và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường.
Bộ cũng yêu cầu công tác tổ chức xét tuyển của các trường phải thực hiện theo quy định hiện hành, công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng (lấy kết quả từ cao xuống thấp); không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội; điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi đợt sau phải đảm bảo không thấp hơn điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi đợt 1.
Đối với các trường có tổ chức kiểm tra năng khiếu hoặc thi tuyển sinh riêng, căn cứ tình hình diễn biến của dịch Covid-19, xem xét điều chỉnh kế hoạch tổ chức thi và tuyển sinh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường đại học Nam Cần Thơ - đánh giá, đây là động thái cần thiết từ các cơ sở giáo dục đại học. “Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các trường đại học cũng cần chia sẻ với thí sinh, chỉ cần thí sinh đạt chất lượng thì trường nên tạo cơ hội, tránh để thí sinh thi đợt 2 phải chịu thiệt thòi. Mỗi năm, các trường đại học được phép “du di” 5-10% chỉ tiêu tuyển sinh, đó là trong bối cảnh bình thường, còn nay là trong bối cảnh đặc biệt, thì điều đó lại càng dễ cảm thông”, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Hàng nghìn thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp đợt 2 Theo thông tin cập nhật từ báo cáo nhanh của bộ GD&ĐT trong ngày làm thủ tục kỳ thi tốt nghiệp năm 2020, cả nước có 26.186 thí sinh tại 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thể dự thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, Đà Nẵng (10.955 thí sinh); Quảng Nam (9.065 thí sinh); Đắk Lắk (5.396 thí sinh); Quảng Ngãi (355 thí sinh); Lạng Sơn (280 thí sinh); Quảng Trị (52 thí sinh); Bắc Giang (18 thí sinh); Thừa Thiên - Huế (18 thí sinh); Gia Lai (9 thí sinh); Hà Tĩnh (8 thí sinh); Quảng Bình (8 thí sinh); Hà Nội (5 thí sinh); Bình Định (4 thí sinh); Đắk Nông (3 thí sinh); Yên Bái (3 thí sinh); Hà Giang (2 thí sinh); và các tỉnh Nghệ An, Hải Phòng, Phú Yên, Kon Tum (1 thí sinh). Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc sở GD&ĐT Đắk Lắk - cho biết: “Chúng tôi đã có kế hoạch triển khai toàn bộ hệ thống dự phòng để đảm bảo cho cán bộ làm thi của đợt thi thứ 2. Đồng thời, đã xây dựng các phương án vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ làm thi và thí sinh, vừa đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, hiệu quả”. |
Thủy Tiên
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 128