Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Pháp, Anh "bật đèn xanh" cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công Nga, ngay sau khi Mỹ "gỡ rào"

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Pháp và Anh đã cho phép Ukraine tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa SCALP/Storm Shadow.

Ngày 18/11, tờ Le Figaro (Pháp) đưa tin, Pháp và Anh đã cho phép Ukraine tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa SCALP/Storm Shadow. Quyết định được Paris và London đưa ra ngay sau khi Mỹ chấp thuận cho Kiev triển khai tên lửa tầm xa ATACMS.

Hiện ấn phẩm không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Theo đó, Lực lượng Vũ trang Ukraine hiện có thể tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không chỉ bằng tên lửa ATACMS của Mỹ mà còn bằng SCALP/Storm Shadow.

Tên lửa SCALP/Storm Shadow. Ảnh: Getty

SCALP/Storm Shadow là tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không do Pháp và Anh phát triển. Loại vũ khí này được thiết kế để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng có giá trị cao, bao gồm căn cứ không quân, hệ thống radar, trung tâm liên lạc và các tài sản chiến lược khác.

Nhà sản xuất cho biết, tên lửa có chiều dài khoảng 5,1 mét, sải cánh khoảng 3 mét với tổng trọng lượng khoảng 1.300 kg, mang đầu nổ đa chức năng 450 kg, tốc độ tối đa lên tới 1.000 km/h. Tùy vào từng biến thể, tên lửa có tầm bắn từ 250-560 km.

SCALP/Storm Shadow sau khi được phóng sẽ sử dụng các hệ thống điều hướng, bao gồm GPS và tham chiếu địa hình, để đi theo đường bay được lập trình sẵn về phía mục tiêu. Tên lửa sử dụng cách tiếp cận tàng hình ở tầm thấp để tránh bị radar phát hiện, bay sát mặt đất để giảm thiểu khả năng hiển thị trên radar của đối phương.

Trước đó, truyền thông phương Tây đưa tin rằng chính quyền của ông Joe Biden đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Trong nhiều tháng gần đây, Ukraine đã liên tục yêu cầu Mỹ cho phép điều này nhưng Washington luôn giữ lập trường thận trọng về vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ hai tháng trước khi ông Donald Trump nhậm chức, Tổng thống Biden đã quyết định ủng hộ yêu cầu của Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Tuần vừa qua, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiha đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Hai bên đã thảo luận về vấn đề phê duyệt các cuộc tấn công tầm xa. Sau cuộc gặp, ông Sybiha nói rằng ông “lạc quan thận trọng” liên quan đến quyết định này.

Hiện Nhà Trắng vẫn chưa có bình luận công khai nào.  Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngầm xác nhận thông tin khi tuyên bố “Hãy để tên lửa lên tiếng”.

“Hôm nay, có rất nhiều thông tin trên phương tiện truyền thông về việc chúng tôi nhận được sự cho phép đối với các hành động tương ứng. Nhưng các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Những điều như vậy không được công bố. Tên lửa sẽ tự nói lên điều đó. Chắc chắn sẽ là như vậy”, ông Zelensky cho biết.

Trong một phát biểu ngày 17/11, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tránh các bước đi làm leo thang liên tục cuộc xung đột tại Ukraine.

“Lập trường của Liên Hợp Quốc rất rõ ràng. Đó là cần tránh leo thang liên tục cuộc chiến tranh Ukraine. Chúng ta muốn có hòa bình, nhưng đó là nền hoà bình dựa trên công lý, phù hợp với các nghị quyết của Đại hội đồng, Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”, ông Guterres nhấn mạnh.

Tin nổi bật