Trước thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều, quan chức cấp cao của các nước đã gửi lời chúc mừng, thể hiện sự ủng hộ trước quyết định chung của hai nước Hàn- Triều.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ôm nhau sau khi ký thỏa thuận tuyên bố chung mang tên "Tuyên bố Panmunjom về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên". Tuyên bố khẳng định: “Sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và 1 kỉ nguyên hòa bình mới bắt đầu”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đưa ra tuyên bố chung tại Nhà Hòa bình chiều 27/4. Ảnh: CNN. |
Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên miền bắc đặt chân lên Hàn Quốc ở miền nam. Hai nhà lãnh đạo công bố kế hoạch để chính thức tuyên bố một nghị quyết về cuộc chiến và thay thế hiệp định đình chiến năm 1953 để đi đến một hiệp định hòa bình trước cuối năm nay.
Trước thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều, quan chức cấp cao của các nước đã gửi lời chúc mừng, thể hiện sự ủng hộ trước quyết định chung của hai nước Hàn- Triều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi nỗ lực của ông Kim Jong Un nhằm chính thức chấm dứt cuộc chiến mà trên danh nghĩa đã kéo dài bảy thập kỷ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như các nổ lực nhằm “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên.
“Sau một năm thịnh nộ của các cuộc phóng tên lửa và thử hạt nhân, cuộc gặp lịch sử giữa Triều Tiên và Hàn Quốc giờ đang diễn ra. Những điều tốt đẹp đang diễn tiến nhưng chỉ có thời gian mới nói được!”, ông Trump viết trên Twitter.
Trong một tuyên bố sau đó, ông Trump viết: “Chiến tranh Triều Tiên sẽ kết thúc! Nước Mỹ và toàn bộ người dân tuyệt vời nên tự hào về điều đang diễn ra tại Triều Tiên”.
Ông Trump cũng ghi nhận công lao của Trung Quốc trong việc đưa Triều Tiên đến đối thoại, rằng nếu không có nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình, Triều Tiên vẫn là vấn đề lâu dài và khó khăn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xem sự kiện này là một “bước tiến tích cực”. Nhưng ông Abe thúc giục Bình Nhưỡng có “những hành động cụ thể” trên vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và các vấn đề khác.
"Nhật Bản sẽ so sánh tuyên bố mới đây với những tuyên bố trước đó và ứng phó phù hợp với những phân tích của mình", ông nói sau khi được hỏi Nhật Bản sẽ phản ứng như thế nào với thỏa thuận liên Triều. Nhà lãnh đạo Nhật nói: "Nhật Bản sẽ đoàn kết vững chắc với Hàn Quốc và Hoa Kỳ, cũng như với Trung Quốc và Nga, để giải quyết các vấn đề công dân Hàn Quốc bị bắt cóc, và vấn đề hạt nhân và tên lửa".
Ông đề cập xa gần đến dự định điện đàm với ông Moon, ông nói: "Tôi muốn nghe trực tiếp từ Tổng thống Moon qua điện thoại về nội dung các cuộc hội đàm".
Về phía nước Nga, điện Kremlin hôm nay cũng đã hoan nghênh “những thông tin rất tích cực” từ thượng đỉnh Liên Triều. Phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitri Peskov nhắc lại, tổng thống Nga Vladimir Putin “đã nhiều lần nhấn mạnh rằng một giải pháp vững chắc cho tình hình bán đảo Triều Tiên chỉ có thể dựa trên đối thoại trực tiếp” giữa hai bên. Tuy nhiên, phát ngôn viên này cho rằng “hãy còn quá sớm” để nói đến việc ký một hiệp ước hòa bình giữa hai nước Triều Tiên.
Trung Quốc cũng ca ngợi kết quả của cuộc họp thượng đỉnh, nhấn mạnh rằng điều này có thể giúp phi hạt nhân hóa Triều Tiên và thiết lập hòa bình trên bán đảo.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: "Các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức thành công cuộc họp thượng đỉnh. Họ đã ra tuyên bố chung về cách hiểu chung liên quan tới quan hệ liên Triều, giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên, phi hạt nhân hóa bán đảo này và một nền hòa bình vĩnh cửu".
"Kết quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh thật hữu ích cho hòa giải và hợp tác liên Triều, hòa bình và ổn định trên bán đảo và giải quyết về mặt chính trị các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên", ông Lục nói. Ông cũng đại diện cho đất nước gửi lời chúc mừng của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên nhưng nói rằng ông tiên liệu sẽ không có bất kỳ bước đột phá lớn nào khả dĩ có thể kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Trao đổi với các phóng viên tại trụ sở NATO hôm 27/4, ông Johnson nói: "Tôi cảm thấy rất khích lệ về những gì đang diễn ra".
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai nhìn lại lịch sử và các kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không thể lạc quan quá mức tại thời điểm này. Nhưng khi hai nhà lãnh đạo họp mặt với nhau, thì rõ ràng đó là tin tốt lạnh. Chắc chắn như vậy".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đánh giá đây là dấu mốc tích cực trong khi Thủ tướng Bỉ tuyên bố ủng hộ mong muốn của Triều Tiên và Hàn Quốc về việc ký kết hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt gởi về bài tường trình:
“Bên bờ sông Đồ Môn (Tumen), ở biên giới Triều Tiên, vào chiều tối, người đàn ông 80 tuổi gốc Triều Tiên này vừa tập thể dục, mắt hướng về phía bên kia biên giới, vừa nghe nhạc Triều Tiên và hy vọng là sự hòa dịu giữa hai miền sẽ kéo dài. Ông nói : "Tôi rất lạc quan. Người dân Nam và Bắc Triều Tiên đều là từ một quốc gia. Chính là Hoa Kỳ đã làm cho tình hình rối ren. Họ chỉ dùng bán đảo Triều Tiên như là một công cụ để ngăn chận Trung Quốc và Nga".
NGUYỄN QUỲNH (T/h)