Ngày 12/7 tới, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò”, nhưng đối với Trung Quốc, áp lực thực sự lại đến sau khi PCA ra phán quyết.
PCA ra thông báo sẽ ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông vào ngày 12/7/2016. |
Trước thềm PCA ra phán quyết về “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc vạch ra gần như liếm trọn Biển Đông, Trung Quốc vẫn không ngừng nỗ lực vận động cho lập trường Biển Đông của mình.
Tuy nhiên, PCA không phải là tổ chức có tính quốc tế duy nhất gây cản trở đối với lập trường Biển Đông của Trung Quốc. Với nỗ lực của Nhật Bản, hai tổ chức quốc tế đầy thực lực khác có thể khiến Trung Quốc đối mặt với áp lực lớn chưa từng có.
Thứ nhất là Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7). Tại Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức ở Iseshima (Nhật Bản) vào tháng 5 vừa qua, G-7 đã ra tuyên bố chung tái khẳng định tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết "hòa bình" và tôn trọng "tự do đi lại trên biển, trên không".
Tuyên bố còn nhấn mạnh các quốc gia nên kiềm chế, không có "hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng" và tránh "sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để củng cố tuyên bố chủ quyền".
Theo truyền thông Nhật Bản, tuy Tuyên bố chung của G-7 không điểm mặt chỉ tên, nhưng đích ngắm thì không cần nói ai cũng rõ.
Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết Trung Quốc "vô cùng bất mãn" với tuyên bố của lãnh đạo G7 liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông
Ngày 12/7 tới, PCA sẽ ra phán quyết, tờ Yomiuri của Nhật Bản dự đoán G-7 có thể sẽ lại một lần nữa ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc và Philippines phải hoàn toàn tôn trọng phán quyết của tòa án quốc tế.
Do nội dung khởi kiện lần này của Philippines gồm cả cách giải thích về “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vạch ra vào những năm 1940 và lấy đó làm căn cứ để chiếm lấy gần như toàn bộ Biển Đông, cho nên, một khi PCA phán quyết bất lợi, lập luận của Trung Quốc bị phủ định, Bắc Kinh sẽ đối mặt với áp lực công luận rất lớn.
Thứ hai, phán quyết của PCA có thể trở thành chủ đề thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm bảo vệ hệ thống luật pháp quốc tế mà Trung Quốc tham gia.
Theo đài NHK cuối tuần qua, trong tháng 7 này, Nhật Bản đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của HĐBA LHQ. Đại sứ Nhật Bản tại LHQ Koro Bessho đã tuyên bố công khai rằng nếu phán quyết của PCA bị coi thường, LHQ cần thiết phải coi đây là vấn đề đưa ra thảo luận.
Trước đó, trong một bài viết đăng trên tạp chí định kỳ National Interest của Mỹ, Giáo sư Greg Raymond thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Australia) cho rằng bác bỏ một phán quyết của PCA đồng nghĩa với việc không tôn trọng luật pháp quốc tế. Như vậy, các thành viên HĐBA LHQ có thể nhóm họp và ra nghị quyết về vấn đề này.
Nội dung nghị quyết có thể chỉ rõ việc phớt lờ phán quyết của PCA sẽ làm xói mòn uy tín của UNCLOS (Công ước LHQ về Luật Biển 1982) và phủ nhận mọi nỗ lực ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ để đàm phán thành công văn bản này.
Trong khi đó, Trung Quốc là nước ký kết UNCLOS, đã tham gia rất sâu vào hệ thống UNCLOS, bao gồm việc triển khai thực hiện hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên biển sâu mà UNCLOS cho phép.
Thế giới sẽ nhắm mắt làm ngơ trước việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết của PCA? Đương nhiên, điều đó sẽ không xảy ra bởi ngay trước thềm phán quyết của PCA, một loạt nước đã lên tiếng kêu gọi tuân thủ phán quyết của PCA.
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]VsEIbExdlU[/mecloud]