Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phạm nhân nữ xinh đẹp thụ án tù vì sự nông nổi của tuổi mới lớn

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Vì phút giây nông nổi của tuổi mới lớn, Thái Anh tham gia vào vụ án giết người nghiêm trọng để rồi tự tay khép lại cánh cửa tương lai.

(ĐSPL) - Gần 4 năm vào trại giam, điều Thái Anh mơ ước là từng đêm được ôm mẹ thủ thỉ tâm sự như những ngày trước đây. Vì phút giây nông nổi của tuổi mới lớn, Thái Anh tham gia vào vụ án giết người nghiêm trọng để rồi tự tay khép lại cánh cửa tương lai.

Nước mắt sau song sắt

Đặng Ngọc Thái Anh, sinh năm 1993 (ngụ thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) bị bắt vì liên quan đến một vụ án giết người nghiêm trọng khi đang là học sinh lớp 12 tại trường THPT đóng trên địa bàn thị trấn. Tháng 11/2012, cô nữ sinh đau đớn chấp nhận bản án 9 năm tù giam để trả giá cho tội ác. Thái Anh tâm sự: “Ở trong tù em có thời gian nghiền ngẫm về thời tuổi trẻ vụng dại. Ngày còn được đi học, em luôn hiếu thắng, muốn khẳng định cái tôi một cách thái quá. Bây giờ, em thấy mình không chỉ mang tội với vong linh bạn V. (Nguyễn Văn V., sinh năm 1993, nạn nhân tử vong trong vụ án –PV), gia đình bạn mà còn với mẹ, cũng như anh, chị trong nhà”.

Chưa dứt lời tâm sự, Thái Anh quay mặt đi nơi khác lau vội những giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Ngồi đối diện với chúng tôi trong phòng tiếp phạm nhân của trại giam Đắk Trung (đóng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk) là cô gái trẻ xinh đẹp, với khuôn mặt thanh tú, mái tóc đen huyền. Phải rất vất vả, người viết mới có thể thuyết phục được Thái Anh trút bỏ tâm tư về góc khuất của thời lầm lỗi. Nữ phạm nhân thổ lộ: “Chuyện xảy ra đã lâu, em không muốn nhắc lại nữa. Mỗi lần nghĩ về khuôn mặt V., về mẹ và các anh, chị đang lam lũ ở nhà em tưởng như muốn chết đi cho xong”.

Nói đoạn Thái Anh lại ôm mặt nấc nghẹn. Mọi ký ức đau buồn của thời tuổi trẻ dại khờ như chợt ùa về. Thái Anh kể, năm đó cô đang là học sinh lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Trong lớp, phạm nhân chơi rất thân với người bạn tên An. Tháng 3/2012, An đem chuyện thường bị 2 học sinh khác là Nguyễn Văn V. (SN 1994) và Hà Huy Thuần (SN 1993) chặn đánh kể cho cô bạn thân nghe. Thái Anh dù là con gái, nhưng tính cách mạnh mẽ, nóng nảy. Quá bức xúc trước việc bạn bị ăn hiếp cô muốn tìm 2 người kia để “dạy cho một bài học”. An tìm gặp Nguyễn Thị Phượng (SN 1993) làm nghề cắt tóc ở thị trấn Kiến Đức, người có mối quan hệ xã hội phức tạp, nhờ người này giới thiệu người “giúp đỡ”. Thái Anh sau đó móc nối với 2 đối tượng bất hảo là Trần Hoàng Trí (SN 1993) và Nguyễn Văn Quảng (SN 1991) cùng trú tại xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) bàn kế hoạch hành sự.

Ngày 10/5/2012, Thái Anh thấy nhóm của V. và Thuần đang ngồi uống nước với hai bạn cùng lớp khác là Nguyễn Hữu Đức (SN 1994) và Trần Quốc Toản (SN 1993) trước cổng trường. Nữ sinh này lập tức gọi điện cho hai đối tượng trên đến “rửa hận”. Ngay sau đó, một cuộc hỗn chiến diễn ra. Trong lúc đánh nhau, Trí lạnh lùng dùng dao đâm V., Toản, Đức. Nhát dao đã làm V. bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu, còn Đức và Toản bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Đắk R’lấp trong tình trạng nguy kịch.

Tháng 11/2012, TAND huyện Đắk R’lấp, mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án mạng do các học sinh gây ra với sự chứng kiến của hàng trăm người dân địa phương. Hội đồng xét xử tuyên phạt Trần Hoàng Trí 21 năm tù giam với các tội danh Giết người và Cố ý gây thương tích, Nguyễn Văn Quảng 12 năm tù giam, Đặng Ngọc Thái Anh 9 năm tù giam và Huỳnh Thị Phượng 8 năm tù giam.

Thái Anh đang tâm sự với phóng viên.

Mơ ước làm lại cuộc đời

Giây phút Thái Anh và đồng phạm bị đưa lên xe chuyên dụng, những người chứng kiến đều ngậm ngùi, chua xót. Tất cả đối tượng tham gia vụ án đều còn rất trẻ với biết bao khát vọng, ước mơ mới bắt đầu chắp cánh. Nữ phạm nhân nói, suốt đời này cô không thể quên được hình ảnh người mẹ tảo tần gục xuống, gào khóc thảm thiết khi nghe tòa tuyên án tội danh đối với con gái. Bản thân Thái Anh lúc đó hết sức sợ hãi. Cô muốn chạy đến sà vào lòng mẹ nhưng không thể.

Thái Anh kể, mình là con gái út trong gia đình nông dân nghèo có 5 anh, chị em ở vùng đồi núi Đắk R’lấp. Nguồn sống của cả nhà phụ thuộc vào tiền làm thuê, làm mướn, đi nương rẫy ít ỏi mà cha, mẹ kiếm được mỗi ngày. Thế nhưng, ngay từ thuở bé Thái Anh phải gánh chịu mất mát lớn khi người cha thân yêu gặp bạo bệnh qua đời. Cha mất, một mình mẹ Thái Anh nai lưng làm lụng để lo cho đàn con thơ. Vậy nhưng, người phụ nữ kham khổ đó luôn nuôi quyết tâm không để bất cứ đứa con nào thất học. Năm anh chị em vì thế đều được cắp sách đến trường. Từ nhỏ, Thái Anh đã ý thức được hoàn cảnh, luôn cố phấn đấu học hành tốt. Ngoài giờ học nữ phạm nhân phụ mẹ làm thuê kiếm tiền.

Trưởng thành từ môi trường sống khắc nghiệt Thái Anh có tính cách mạnh mẽ chẳng khác nào con trai. Đây cũng là lý do cô luôn được bạn bè tin tưởng, cậy nhờ vào những vụ xô xát để rồi cô học sinh con nhà nghèo học giỏi phải vướng vòng lao lý. Thật chua xót khi được biết, Thái Anh từng mơ với sẽ trở thành một nhà báo, người đứng lên bảo vệ lẽ phải, quyền lợi của những người thấp cổ bé họng. Nữ phạm nhân nghẹn ngào: “Năm đó em đã viết hồ sơ thi đại học nhưng chưa kịp nộp thì cơ sự xảy ra. Giờ dù rất nuối tiếc nhưng em biết trách ai đây khi mọi lỗi lầm tự em chuốc lấy. Với em, giấc mơ này suốt đời dang dở”.

Thụ án tù giam, từ bỏ giấc mơ về tương lai tươi sáng, nhưng Thái Anh cho biết, cô vẫn còn rất nhiều dự định khi ra trại. Thái Anh tâm sự, đang đứng giữa 2 lựa chọn học nghề uốn tóc hoặc học làm thợ may. Nữ phạm nhân thổ lộ: “Em đã thụ án được 4 năm, nghĩa là chỉ 5 năm nữa thôi em được tự do về với mẹ và các anh, chị. Em còn trẻ. Em không có suy nghĩ buông xuôi mà phải đứng lên làm lại cuộc đời. Chỉ cần em làm việc tốt xã hội sẽ nhìn nhận lại về con người em. Thực sự ở đời có mấy ai không phạm phải sai lầm, điều quan trọng người đó có đứng dậy được sau vấp ngã”.

Những ngày ở trại, hạnh phúc của nữ phạm nhân là những hôm có mẹ hoặc các anh chị lên thăm nuôi. Thái Anh kể, dù cuộc sống khó khăn, đường sá cách trở nhưng mẹ cô rất ít khi bỏ lỡ cơ hội lên thăm con gái theo lịch quy định. Mỗi lần như thế, người phụ nữ tội nghiệp lại lỉnh kỉnh mang theo quà cáp, bánh trái, những thứ mà con gái yêu thích. Thi thoảng, cũng có những người bạn học chung THPT lên thăm Thái Anh. Tất cả, như liều thuốc tinh thần quý giá giúp nữ phạm nhân vững tâm cải tạo, trông chờ ngày được trở về bên mái ấm bình yên.

Nữ phạm nhân có ý thức cải tạo tốt

Đại tá Đặng Duy Văn, Giám thị trại giam Đắk Trung cho biết: “Nữ phạm nhân Đặng Ngọc Thái Anh là một trong những phạm nhân có ý thức cải tạo tốt. Phạm nhân không chỉ tuân thủ chấp hành mọi nội quy trong phân trại mà còn tích cực tham gia lao động, văn nghệ, sinh hoạt ngoại khóa… Chúng tôi luôn khuyến khích Thái Anh cũng như những phạm nhân khác nâng cao ý thức cải tạo, để sớm được hưởng sự khoan hồng theo quy định của Nhà nước.

TÔ HƯƠNG SEN

Tin nổi bật