Trước làn sóng tranh cãi gay gắt về việc trưng bày công khai bộ phận nội tạng và thi thể người tại TP.HCM, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với PGS.TS Đinh Hồng Hải - người đã có nhiều năm nghiên cứu nhân học văn hóa để tìm hiểu về vấn đề này.
Triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người diễn ra tại nhà văn hóa Thanh Niên (quận 1, TP.HCM) đang trở thành tâm điểm tranh cãi của dư luận. Theo đó, sự kiện này vấp phải sự phản đối kịch liệt của công chúng khi trưng bày 137 mẫu vật là bộ phận cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người), được nhựa hóa nhờ công nghệ bảo tồn xác người Plastination.
Bên cạnh sự thích thú, tò mò, nhiều khán giả cho rằng, triển lãm gây cảm giác ghê rợn, không phù hợp với văn hóa Việt Nam, bởi các mẫu vật trưng bày đều là xác và những bộ phận cơ thể người thật.
Trước vấn đề đang gây tranh cãi, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Hồng Hải (giảng viên bộ môn Nhân học Văn hóa, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội).
Ông Hải cho biết: “Như chúng ta đã biết, việc hiến tạng hay bất cứ bộ phận nào trên cơ thể người, phải nhận được sự đồng ý của chính người đấy và thân nhân của họ. Hơn nữa, tất cả những thông tin và quyền lợi của họ đều được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, những điều này lại không hề được nhắc đến trong triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người đang diễn ra tại TP.HCM. Và cũng không hề có bất cứ thông tin nào nói về sự đồng ý của người thân, gia đình họ. Vậy nên, việc tổ chức trưng bày công khai những bộ phận cơ thể người chết tại triển lãm này là cực kỳ vô đạo đức và phi nhân văn”.
Dưới góc độ một người nghiên cứu nhân học văn hóa, PGS.TS Đinh Hồng Hải cho hay: “Từ cổ xưa, trong văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng có một quan niệm là chết toàn thây. Khi cải táng, nếu thiếu mất một bộ phận nào đó trên cơ thể, người thân, gia đình vẫn phải cất công tìm kiếm. Giờ đây, do ngoại cảnh tác động nên hình thức điện táng cũng trở nên phổ biến hơn. Nhưng, hình thức điện táng vẫn là “chết toàn thây”, bởi dù lấy tro hay lấy cốt thì vẫn đảm bảo thi thể của người chết toàn vẹn và được gia đình bảo vệ. Đặc biệt, trong văn hóa tâm linh của người Việt, có những điều tối kỵ không được đụng chạm tới mộ người chết.
Thế nên, việc dựng lại các bộ phận của người chết như những pho tượng điêu khắc để làm “trò vui” cho thiên hạ thì quả thật nhìn rất phản cảm, vô nhân tính. Hành động này như đang thách thức với văn hóa của người Việt Nam, đặc biệt là xúc phạm đến cả thân nhân của người đã mất. Vậy nên, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và những người đã có nhiều năm làm nghệ thuật và triển lãm là kịch liệt lên án và phản đối sự kiện này”.
Trước những ý kiến cho rằng, triển lãm này phục vụ cho khoa học, PGS.TS Đinh Hồng Hải bức xúc: “Vậy thì đúng ra nó phải dành cho nhà khoa học, chứ sao lại mang ra để bán vé? Thực tế, tất cả những trưng bày về xác chết dù là người trưởng thành hay thai nhi thường chỉ được phép ở trong phòng thí nghiệm, rất ít người được vào đó để xem xét và nghiên cứu. Vậy tại sao lại mang cái chết của người khác ra để kiếm tiền? Điều này cực kỳ phản cảm!
Nếu ai nói rằng, triển lãm này phục vụ khoa học hoàn toàn là ngụy biện. Bởi khi đã đưa ra giá vé đắt tiền cho toàn bộ công chúng nếu muốn tới xem, chắc chắn họ sẽ thu lợi nhuận. Thử hỏi, đây không phải kinh doanh thương mại thì là gì? Hơn nữa, cả về mặt đạo đức và luật pháp ở Việt Nam đều chưa chấp nhận điều này”.
Hà Linh
Theo Người Đưa Tin