Nhấn mạnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang biến đổi thế giới trên mọi lĩnh vực, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng nếu doanh nghiệp không chủ động ứng phó thì sẽ bị "cuốn trôi", bị thay thế bởi các doanh nghiệp hình thức mới...
BizLIVE đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trương Gia Bình, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Trưởng ban Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT FPT về chủ đề đang rất nóng hiện nay - Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của nguồn nhân lực trước thách thức cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Thời gian vừa qua đã có rất nhiều diễn đàn, hội thảo về cuộc cách mạng 4.0 được tổ chức. Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu khi đến Việt Nam cũng đều khẳng định dù bạn muốn hay không thì cuộc cách mạng 4.0 sẽ vẫn đến đất nước của bạn.
Đây đúng là điều không thể cưỡng được. Vấn đề bạn chủ động đối phó thích nghi hay bị cuộc cách mạng cuốn trôi. Ở Việt Nam, nhất định chúng ta phải chủ động ứng phó.
Việc chủ động ứng phó đầu tiên chính là từ các doanh nghiệp. Nếu không chủ động ứng phó thì sẽ bị các doanh nghiệp hình thức mới thay thế. Nếu không muốn bị “cuốn trôi”, doanh nghiệp không còn cách nào khác phải bắt đầu tập trung vào giáo dục, đào tạo nhân lực.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp mặc dù rất quan tâm song còn chưa thực sự hiểu cuộc cách mạng 4.0 này là gì và sẽ có tác động ra sao?
Điều này cũng không phải quá đáng buồn. Ở nhiều nước cũng gặp những điều tương tự như vậy. Thậm chí nhiều nước, Chính phủ họ cũng không làm nhiều việc để thúc đẩy nhận thức về cuộc cách mạng này.
Trong khi đó, chúng ta nhận thức tương đối sớm. Dù vậy, thách thức vẫn là tương đối lớn bởi đây là cuộc cách mạng với những thay đổi chưa từng có trong lịch sử phát triển của nhân loại.
Điểm chung nhất và thay đổi lớn nhất sẽ là internet vạn vật. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cũng có thể thu thập toàn bộ dữ liệu về khách hàng, về nhu cầu của họ, các thói quen… sau đó dùng trí tuệ nhân tạo xử lý, để đưa ra giải pháp tức thời.
Đây là nền tảng của các công ty thời đại số: “Công ty thời gian thực”, trong đó mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên tính toán của máy móc và khách hàng không phải chờ đợi lâu.
Ví dụ, lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng sẽ có toàn bộ thông tin khách hàng dựa trên social scoring, từ đó đánh giá tín dụng và ra quyết định cho vay/không cho vay chỉ sau 1 tích tắc.
Ngoài ra, toàn bộ hoạt động tài chính tín dụng của mỗi khách hàng sẽ được theo dõi đồng bộ trên hệ thống thay vì chia ra từng mảng sản phẩm như hiện nay.
Ở lĩnh vực viễn thông, viễn thông 4.0 sẽ phát triển trên nền tảng băng thông rộng và đảm bảo đường truyền. Sử dụng micro-service, đập hết nền tảng viễn thông quá khứ, xử lý thuần túy bằng trí tuệ nhân tạo.
Đối với các ngành dịch vụ, hiện nay “chờ đợi” đã không nằm trong từ điển khách hàng. Thông qua dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể đoán trước được nhu cầu khách hàng để phục vụ tốt hơn (ví dụ Walmart).
Đối với ngành nhân sự, chỉ qua việc theo dõi thông tin trên mạng xã hội, bộ phận nhân sự không chỉ tuyển dụng mà còn nắm được nhân sự đó có tiếp tục gắn bó với công ty hay không...
Các doanh nghiệp cần làm như thế nào để ứng phó tốt hơn trước cuộc cách mạng này thưa ông?
Đối với các doanh nghiệp, đầu tiên là vấn đề nhận thức. Tức là phải biết chúng ta đối mặt với cái gì và chúng ta phải làm thế nào. Nói về nguồn nhân lực, Việt Nam có thể tạo ra nguồn nhân lực vượt trội về 4.0 hay không đó là thách thức đặt ra cho vấn đề giáo dục.
Mục tiêu Việt Nam đến năm 2020 sẽ đào tạo ra 300 nghìn kỹ sư công nghệ số - chính đội ngũ này sẽ thực hiện chuyển đổi số không chỉ cho Việt Nam mà còn cho thế giới. Vấn đề giờ là đến năm 2020, chúng ta sẽ đào tạo được ra bao nhiêu kỹ sư và chất lượng ra sao.
Đâu là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trước cuộc cách mạng này, thưa ông ?
Tôi nhận thấy có mấy vấn đề lớn. Trong đó, nổi lên là sức cạnh tranh của chúng ta còn ở mức tương đối hạn chế. Cho nên khi Uber, Grab vào thì các doanh nghiệp taxi truyền trống ứng xử không kịp. Đối với nhiều ngành nghề khác cũng có thể xảy ra những điều tương tự như vậy.
Thứ hai, Việt Nam chưa có những tên tuổi vươn ra cạnh tranh ở tầm toàn cầu.
Vậy làm sao để doanh nghiệp nhỏ có thể vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn, cạnh tranh toàn cầu?
Doanh nghiệp cần một môi trường kinh doanh thuận lợi. Nếu có một môi trường thuận lợi thì doanh nghiệp Việt có thể trở thành doanh nghiệp lớn, vươn ra cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Chi phí kinh doanh lớn là một trong những lực cản lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Thời gian vừa qua chúng ta bàn đến rất nhiều về việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Vậy theo ông cần làm gì để vấn đề này được thực hiện một cách có hiệu quả?
Trong Diễn đàn kinh tế tư nhân 2017 vừa qua, vấn đề chi phí kinh doanh đã được đưa ra bàn luận. Muốn tháo gỡ thế nào thì tôi cho rằng cần một đội ngũ chuyên gia, các nhà tư vấn ngồi lại với nhau để có thể đưa ra những con số cụ thể như cắt bao nhiêu phần trăm chi phí của logistics, nguồn nhân lực, quản trị rồi xuất nhập khẩu... Từ đó sẽ có những kiến nghị cụ thể.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguồn: BizLIVE