Mỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho đến năm 2090 đối với hàng nghìn nhân viên y tế được điều động tới hiện trường của vụ tấn công khủng bố 11/9.
Vụ khủng bố liên hoàn 11/9 tại Mỹ đã khiến khoảng 3.000 người thuộc 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng. Ảnh: Daily Mail |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/7 đã ký thông qua một dự luật đảm bảo rằng Quỹ bồi thường nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu 11/9/2001 sẽ không bao giờ cạn kiệt.
Lễ ký của Tổng thống Trump được tiến hành tại Vườn Hồng, với sự tham dự của hơn 60 nạn nhân - là các nhân viên y tế đầu tiên được điều động tới hiện trường của vụ tấn công 11/9, những người làm việc trong điều kiện nguy hiểm để giải cứu các nạn nhân và đang phải chịu đựng các di chứng về sức khỏe sau thảm kịch này.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump đã gọi các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 là "những chiến binh thực thụ của nước Mỹ" và nhấn mạnh rằng "các bạn đã tạo cảm hứng cho nhân loại".
Với tuyên bố nước Mỹ có "nghĩa vụ quan trọng" phải chăm sóc các nạn nhân và gia đình của họ, Tổng thống Trump đã phê duyệt dự luật gia hạn Quỹ bồi thường nạn nhân vụ khủng bố 11/9 đến năm 2092, mốc thời gian mà về cơ bản đã khiến luật này có thời hạn vĩnh viễn.
Gần 18 năm đã trôi qua nhưng cả thế giới nói chung và người Mỹ nói riêng vẫn không thể quên 102 phút kinh hoàng, kể từ thời khắc chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tòa tháp thứ nhất (tháp phía bắc) thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC).
Hôm 11/9/2001, 19 tên không tặc cướp 4 máy bay chở khách hiệu Boeing và tấn công vào các địa điểm quan trọng của Mỹ, khiến khoảng 3.000 người tới từ hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng.
Lớp bụi từ hiện trường Tháp Đôi WTC chứa các hóa chất độc hại như amiang, chì, dioxin, PVC, thủy ngân,... cùng lượng khí chất thải của hàng trăm nghìn gallon dầu diesel bốc cháy. Theo ước tính, khoảng 90.000 người đã tiếp xúc với đám bụi độc này. Hơn 60.000 người vẫn đang phải tham gia một chương trình theo dõi sức khỏe.
Người dân Mỹ hoảng loạn vào thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố. Ảnh: Reuters |
Glenn Garamella là một trong những người tham gia cứu hộ hiện trường 11/9. Người đàn ông 61 tuổi này đã mắc bệnh suyễn, ngừng thở khi ngủ và đang phải điều trị ung thư. "Các cơn ho trở nên tồi tệ hơn. Cuối cùng, họ phát hiện ra tôi bị ung thư cổ họng", Garamella nói.
Các quan chức y tế cho biết, khoảng 2.000 chẩn đoán ung thư liên quan đến sự kiện 11/9. Nhóm người này chủ yếu là những người làm việc trực tiếp tại hiện trường và trong thời gian dài như nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ, các tình nguyện viên... Những vấn đề họ gặp phải chủ yếu là các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Tháng 3/2010, 6 năm sau khi các nạn nhân yêu cầu bồi thường, chính quyền thành phố New York mới chấp nhận chi trả số tiền bồi thường 625 triệu USD cho các nhân viên tham gia cứu hộ nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Khoản tiền bồi thường này được rút ra từ một quỹ bảo hiểm do Chính phủ liên bang tài trợ. Quỹ này thuộc sở hữu của Công ty Bảo hiểm WTC Captive, được lập ra vào năm 2004 với số tiền 1 tỷ USD từ Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA).
Theo thống kê của Mỹ, cứ 8 người từng tham gia cứu hộ tại Trung tâm thương mại thế giới thì có 1 người bị chấn thương tâm lý.
Mộc Miên (T/h)