Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức: “Cán bộ thì phải thế!”

(DS&PL) -

Ông Đoàn Ngọc Hải được đánh giá là dám nhìn thẳng. Khi không hoàn thành được nhiệm vụ, không thực hiện được lời hứa, ông dám dũng cảm từ chức.

 Ông Đoàn Ngọc Hải được đánh giá là dám nhìn thẳng. Khi không hoàn thành được nhiệm vụ, không thực hiện được lời hứa, ông dám dũng cảm từ chức.

Ông Đoàn Ngọc Hải vừa viết đơn xin từ chức.

Nhiều cơ quan báo chí vừa đăng tải thông tin ông Đoàn Ngọc Hải (Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM) viết đơn xin từ chức vì không thực hiện được lời hứa với nhân dân. Lời hứa mà ông Hải nói đến chính là tuyên bố được nói ra vào ngày 20/2/2017 trước nhân dân và đoàn công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị: "Từ đây đến cuối năm không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi để nổi tiếng".

Trao đổi với báo Người Đưa Tin, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, ông Hải đã hành động văn hoá-thứ văn hóa mà nhiều cán bộ nên học theo.

PV: Ông có bình luận gì về việc ông Đoàn Ngọc Hải viết đơn xin từ chức?

Ông Nguyễn Viết Chức: Phong cách của ông Đoàn Ngọc Hải và lớp cán bộ mới rất đáng ủng hộ. Có rất nhiều lý do họ không hoàn thành được nhiệm vụ như đã hứa với dân. Nhưng họ đã dám nhìn thẳng vào thực tế, đánh giá bản thân. Khi không hoàn thành được nhiệm vụ, không thực hiện được lời hứa thì họ dám dũng cảm từ chức.

Biết đâu, sau đó, sẽ có người làm được công việc mà người trước chưa làm được. Những con người biết đặt việc của dân của nước lên trên lợi ích của bản thân mình rất đáng được coi trọng.  Cán bộ phải như thế, không nên tham quyền cố vị trong khi không làm được việc cho nhân dân.

PV: Hà Nội và TP.HCM cũng một thời rất ồn ào với việc dẹp vỉa hè. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được như mong đợi. Theo ông, vì sao lại vậy?

Ông Nguyễn Viết Chức: Chuyện dẹp vỉa hè khó, bởi nó liên quan tới thói quen, lợi ích của con người. Họ đã quen dùng vỉa hè để làm sân của họ rồi, hoặc họ đã quen được hưởng lợi ích từ đó rồi, giờ muốn thay đổi rất khó. Muốn thay đổi thói quen thì không thể một sớm một chiều mà phải mất một thời gian. Một người không thể làm được việc khó khăn này, mà cần cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Dẹp chuyện lấn chiếm vỉa hè phải làm nhiều lần, làm đi làm lại thì mới hi vọng đạt được kết quả. Đồng thời phải làm bài bản và phải có sự đồng thuận từ trên xuống dưới. Quận và phường phải đồng lòng. Nếu quận hăng hái nhưng phường không theo, hoặc ngược lại phường hăng hái nhưng lại không được quận đồng thuận thì rất khó làm. Nó cũng không phải vào cuộc một ngày hay một năm mà phải nhiều năm.

PV: Như ông đã nói, việc này phải làm trong một thời gian dài. Vậy, liệu ông Hải có nản trí quá sớm với một vấn đề khó không, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Chức: Nếu nản trí thì không hay. Nhưng tôi nghĩ, ông Hải cảm thấy người khác làm sẽ tốt hơn nên nhường cho người khác làm. Cán bộ cũng không nên “bám trụ” một cách vô điều kiện. Nếu làm không hiệu quả thì nên rút kinh nghiệm và đặt mình ở vị trí của công dân xem cách làm nào sẽ hay hơn. Biết đâu đó, sau 1 năm, cán bộ nghĩ ra cách làm hiệu quả hơn thì lại ra ứng cử để làm tiếp. Phải như vậy thì cán bộ mới đổi mới được.

Cán bộ cách mạng trong thời kỳ chiến tranh đấu tranh gian khổ, nhưng hiện nay cũng gian khổ hi sinh không kém. Nó không chỉ là hi sinh về mặt tính mạng mà có thể là hi sinh về mặt lợi ích, tiếng tăm. Người cán bộ phải làm với tất cả cái tâm của mình, mong muốn của mình cho những điều tốt đẹp và phải làm tới cùng. Cái đó không thể làm một mình mà phải có tập thể, từ trên xuống dưới.

PV: Tôi có thể gọi đó là lòng tự trọng của cán bộ!

Ông Nguyễn Viết Chức: Rất đúng. Tôi không nói riêng ông Hải mà cán bộ đã hứa mà không làm được, không nên viện các lý do, mà nên từ chức để người khác làm. Phong cách như vậy nên khuyến khích. Con người ta có lúc này lúc khác, lúc nào hay thì ra làm lúc nào dở thì không đảm nhiệm. Có như vậy bộ máy, cán bộ luôn luôn đổi mới.

PV: Có nhiều luồng ý kiến đánh giá về phương thức thực hiện của ông Đoàn Ngọc Hải, tuy nhiên, khi ông Hải viết đơn từ chức dường như lại để lại một khoảng trống?

Ông Nguyễn Viết Chức: Cuộc sống vận động không ngừng, biết đâu sẽ có một nhân vật khác cũng nhiệt thành như ông Hải và cũng sẽ làm được việc lập lại trật tự đô thị, trả lại đúng chức năng của vỉa hè, tránh tai nạn cho người đi bộ. Đây là việc làm có ích và không nên bỏ cuộc. Nếu ông Hải không làm thì nên có người khác làm. Quận 1 không thể vì ông Hải nghỉ thì không tiếp tục công việc này được.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! 

Thành Huế

Tin nổi bật