Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi gây ấn tượng mạnh mẽ trước tuyên bố đáp trả nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc và truy tố con gái ông.
Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: Getty |
"Mỹ không thể đè bẹp chúng tôi", ông Nhậm Chính Phi nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC phát sóng hôm nay (19/2). "Thế giới cần Huawei vì chúng tôi tiên tiến hơn".
Trên thực tế, Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đang phải đối đầu với một chiến dịch do Mỹ lãnh đạo để thuyết phục các đồng minh loại công ty khỏi các dự án mạng 5G siêu nhanh. Theo đó, Úc và New Zealand đã hạn chế các nhà khai thác di động sử dụng thiết bị Huawei cho dịch vụ 5G. Vương quốc Anh, Đức và những quốc gia khác đang xem xét liệu có nên kiểm soát khắt khe hơn hay không.
Chính phủ Mỹ lập luận rằng các sản phẩm của Huawei có thể được tình báo Trung Quốc khai thác để thu về thông tin mật. Trong khi đó, Huawei nhiều lần lên tiếng phủ nhận cáo buộc này. Các công tố viên Mỹ cũng đã truy tố giám đốc tài chính Huawei, đồng thời là con gái của ông Nhậm là Mạnh Vãn Châu. Bà Mạnh bị bắt ở Canada vào đầu tháng 12 và có thể phải đối mặt với việc dẫn độ về Mỹ.
Cuộc tấn công của Mỹ chống lại Huawei đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, có nguy cơ làm gián đoạn việc triển khai mạng 5G trên toàn thế giới.
"Chúng tôi phải bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng của mình và Mỹ cũng kêu gọi tất cả các đối tác an ninh cảnh giác, từ chối bất kỳ doanh nghiệp nào làm tổn hại đến tính toàn vẹn của công nghệ truyền thông hoặc hệ thống an ninh quốc gia Mỹ", Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố tại Hội nghị an ninh Munich.
Ông Nhậm Chính Phi hiện đã 74 tuổi, thành lập Huawei 32 năm trước sau khi phục vụ trong quân đội Trung Quốc với tư cách kỹ sư dầu khí. Là con trai của một giáo viên trường nông thôn ở vùng núi tỉnh Quý Châu, ông Nhậm đã vươn lên xây dựng công ty thành một tổ chức toàn cầu với doanh thu hàng năm hơn 100 tỷ USD.
Ông khẳng định rằng ngay cả khi Mỹ thuyết phục nhiều quốc gia ngừng sử dụng thiết bị Huawei, công ty cũng chỉ cần "thu nhỏ mọi thứ một chút". "Nếu đèn tắt ở phương Tây, phương Đông vẫn sẽ tỏa sáng", ông nói. "Và nếu miền Bắc chìm trong bóng tối, thì vẫn còn miền Nam. Mỹ không đại diện cho thế giới".
Các nhà phân tích đồng ý rằng hoạt động kinh doanh toàn cầu rộng lớn của Huawei vốn phát triển mạnh ở nhiều thị trường mới nổi có thể tồn tại ngay cả khi chính phủ Mỹ thuyết phục nhiều đồng minh loại trừ các sản phẩm của công ty khỏi mạng 5G. Công ty được coi là vượt xa các đối thủ chính trong công nghệ 5G, khiến nó gần như không thể thay thế đối với một số thiết bị mang không dây. Huawei cũng là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu và đặt mục tiêu vượt qua Samsung trở thành công ty lớn nhất thế giới vào năm tới.
Dĩ nhiên, Huawei vẫn dễ bị tổn thương bởi động thái của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm Huawei mua các thành phần quan trọng từ công ty Mỹ. Điều đó gần như chắc chắn sẽ khiến Huawei rơi vào một cuộc khủng hoảng tương tự như đối thủ mà ZTE (ZTCOF) của Trung Quốc phải chịu, bị tê liệt trong nhiều tháng hồi năm 2018.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo CNN)