Từ những chia sẻ của các bà mẹ về nỗi khổ cho con ăn dặm khi bị ông bà hai bên gây áp lực, ông bố 9X đã gửi bức tâm thư chia sẻ về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật rất được hoan nghênh.
Là một ông bố có con nhỏ cũng đang trong độ tuổi ăn dặm, anh Nguyễn Hiếu (Bố Ken) rất thấu hiểu nỗi khổ của việc nuôi và cho con nhỏ ăn của các bà mẹ. Nhất là những mâu thuẫn trong cách nuôi con giữa bố mẹ với ông bà.
Bài chia sẻ của ông bố trẻ gây bão mạng xã hội. |
Anh Hiếu tâm sự, những ngày vừa qua, anh nhận được nhiều chia sẻ của các bà mẹ gọi điện bật khóc vì stress. Nguyên nhân là sự mâu thuẫn trong cách nuôi con với ông bà. Vì vậy, anh đã chia sẻ kinh nghiệm cho con ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy đang được chính bản thân anh áp dụng và rất có hiệu quả dưới hình thức tâm thư gửi các ông bà với chủ đề "Xin đừng ép cháu ăn".
"Gửi Ông Bà Nội, Ông Bà Ngoại,
Xin chào các Ông Bà, lần trước con có một bức thư gửi tới Ông Bà về việc "Hãy để cho cháu tự chơi". Bài viết đó không biết có được Ông Bà đọc đến hay không nhưng lần này thì con rất hi vọng Ông Bà sẽ đọc được. Vì gần đây con nhận được quá nhiều tin nhắn với nội dung tương tự “Bố Ken ơi, con em được 7, 9,… thậm chí 25 tháng, con em biếng ăn lắm, Em đút cháo đến nay tự nhiên con không chịu ăn nữa, em thử cho ăn mấy đồ rau củ quả hấp thì con thích và hào hứng lắm nhưng mà Ông Bà em phản đối, vì Ông Bà sợ hóc, sợ cháu ăn ít sẽ còi và sợ cháu đã có răng đâu mà nhai".
Và ngay tối qua lại một Bạn có bé 40W gọi điện bật khóc vì Stress, muốn lắng nghe chia sẻ của con 1 tí.
Sợ con còi thích bụ bẫm đang ám ảnh lên việc nuôi con của các bạn trẻ Ông Bà ạ. Các bạn phải nuôi con để hài lòng mong muốn của Ông Bà chứ không phải đáp ứng nhu cầu và mong muốn của các em bé.
Vậy nếu như Ông Bà cũng đang có những nỗi sợ này làm cho cuộc ăn dặm của cháu mình trở nên căng thẳng, xem Tivi, youtube hay bế rong cháu cả giờ đồng hồ mới được bát cháo, và càng ngày việc cho cháu ăn càng khó khăn thì mong nhân duyên cho bức thư này gặp được Ông Bà trước khi sự biếng ăn trở nên đỉnh điểm.
Nếu điều gì không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại mong Ông Bà ghi nhận. Ngày nay, khi đi ra ngoài hay thỉnh thoảng bắt gặp 1 vài video trên mạng xã hội, Ông Bà sẽ thấy một số em bé đang rất nhỏ tự cầm tay bốc ăn, thậm chí 1 tuổi cầm thìa, nĩa ăn như người lớn, một trong số đó chính là con của con và hàng ngàn em bé khác đang theo Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, ăn dặm kiểu Nhật. Cái phương pháp mà Ông Bà đang sợ bé hóc đó ạ".
Chân dung ông bố trẻ. |
1. Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (Tên tiếng anh: Baby-led Weaning và Gọi tắt là BLW)
Đây là phương pháp ăn dặm cho phép em bé tự bốc đồ ăn, do đó không hề có thức ăn xay nhuyễn. Bé ngồi ăn trên bàn cùng với gia đình trong bữa ăn và tham gia ăn cùng với mọi người khi bé đã sẵn sàng, dùng tay bốc thức ăn trước và sau này tự đút mình bằng muỗng (thìa, nĩa, dao) rồi tiếp tục là giai đoạn cầm đũa.
Bé có thể ăn chung hầu hết món ăn nào tốt cho sức khỏe với gia đình bạn. Ví dụ như trái cây, rau, thịt, pho mai, trứng nấu chín kỹ, bánh mì (hoặc bánh mì nướng), gạo, mì và hầu hết các loại cá. Chọn loại thức ăn nào mà dễ cắt thành que hay cọng dài khi mới bắt đầu ăn dặm.
Cung cấp cho bé nhiều loại thức ăn khác nhau cho bé cơ hội khám phá các mùi vị và kết cấu khác nhau để đảm báo bé nạp đủ dinh dưỡng cần thiết. (Có một số thức ăn cần tránh cái này con cũng có các bài viết chia sẻ rồi ạ)
Về phương pháp kiểu nhật cũng là phương pháp hiện đại, độ thô tăng dần từ trạng thái lỏng nhưng khác hẳn so với truyền thống cũ là tách riêng từng loại thức ăn chứ không phải lẫn hết vào nhau.
Ở đây điển hình liên quan nỗi sợ nên con xin phép chỉ trình bày Phương pháp BLW.
2. Lợi ích của phương pháp này
- Cho phép bé khám phá mùi, vị, màu sắc, và cấu trúc của thức ăn (texture) [tức thức ăn mềm/ cứng/ trơn/ ráp/ lỏng/sệt, v.v...), trải nghiệm thức ăn thực. Hãy tưởng tượng, so sánh việc ngày nào cũng ăn bột hoặc món xay nhuyễn với độ mịn giống nhau và vị giống nhau, với các món có độ thô khác nhau, cứng có, mềm có, to có, nhỏ, vị thức ăn phong phú… Chúng ta sẽ thích kiểu nào hơn ạ?
- Giúp phát triển kỹ năng nhai, tiết nước bọt và tương tác giữa tay và mắt. Kĩ năng vô cùng quan trọng thậm chỉ ảnh hưởng không chỉ riêng mỗi việc tiêu hóa mà cả việc phát âm đó chính là nhai. Hãy tưởng tượng, so sánh việc Bé chỉ ăn bột hoặc món xay nhuyễn, các món ăn không cần hoặc rất ít phải nhai với các món có độ thô khác nhau, cứng có, mềm có, to có, nhỏ. Cái nào đang trì hoãn và hạn chế kĩ năng nhai và tiết nước bọt ạ. Liệu nước bọt tiết ra không đủ có giúp việc tiêu hóa thức ăn của cháu được tốt không ạ?
Rất nhiều nữa lợi ích nữa mà phương pháp ăn dặm truyền thống không thể có:
- Các con tự học cách ăn an toàn: Cảm nhận một mẩu thức ăn trong tay và đưa vào miệng, nhai và đẩy lưỡi quanh miệng giúp bé hiểu được miếng nào quá to, giúp bé ít nguy cơ bị nghẹn. Cháu xin phép trình bày kĩ hơn ở dưới.
- Khuyến khích tự lập và tự tin ở trẻ: Ngay khi cầm được một mẩu và đưa lên miệng theo bản năng. Các bé đã đặt niềm tin vào việc này và sẽ càng ngày càng tự tin và thành thục hơn, thích tự mình làm mọi việc. Sự thuần thục của đôi tay có thể tốt cho kĩ năng viết, vẽ,… sau này.
- Giúp trẻ có thái độ tích cực với đồ ăn. Có niềm tin vào đồ ăn. Bé quyết định món nào thích món nào không thích. Các bé có thể từ chối món ăn có vẻ không an toàn như cay, đắng,…khi mà chúng ta biết gọi tên các cảm xúc đó.
- Với Phương pháp này bé chủ động ăn theo tốc độ riêng và dừng khi bé no bụng, đây cũng là yếu tô quan trọng ngăn ngừa ăn quá nhiều dẫn đến bệnh béo phì.
- Cùng gia nhập bữa cơm gia đình. Không phải làm trò hoặc lừa bé và cũng thật dễ dàng khi cùng bé ra ngoài đi dự tiêc, ăn nhà hàng.
- Giúp bé hỏi hỏi được thế giới xung quanh: Khi theo phương pháp này tất cả các giác quan (thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác và vị giác) đều được áp dụng nên bé sẽ cảm nhận và nhanh chóng hiểu được thế giới xung quanh.
- Giúp hạn chế hiện tượng trẻ kén ăn hay những cuộc "tranh đấu" giữa bé và người đút ăn đặc biệt giai đoạn tập đi, vì với phương pháp này các em bé được luyện tập từ đầu còn với phương pháp truyền thống xay nhuyễn và hỗn hợp đủ các loại vào thì khi chuyển sang thức ăn lổn nhổn và rồi chuyển sang bữa ăn gia đình khiến các bé rất khó bắt nhịp.
- Và cũng giúp cho chúng ta tiết kiệm thời gian. Làm thức ăn xay nhuyễn rất cầu kỳ, mất thời gian. Với BLW thì điều đó không cần thiết. Chúng ta có thể điều chỉnh luôn trong bữa ăn để phù hợp cùng bé và cả nhà cùng ăn chung.
Tất cả những bé khỏe mạnh đều có thể bắt đầu tự ăn vào lúc khoảng 6 tháng khi bé đã có thể ngồi vững, chỉ cần cho bé cơ hội mà thôi.
Quay trở lại với 3 nỗi sợ trên sau khi hiểu một phần về ăn dặm tự chỉ huy là như thế nào và lợi ích của nó:
Sợ hóc:
Thông thường, những mối lo lắng về sự cố nghẹn xuất phát từ việc nhìn thấy các bé ọe ra thức ăn. Ọe là động tác nôn nhằm đẩy thức ăn ra khỏi đường hô hấp nếu miếng thức ăn đó quá to không thể nuốt được.
Ở người lớn, phản xạ ọe được kích hoạt gần mặt sau của lưỡi – Chúng ta phải đưa ngón tay vào tít phía sau cổ họng mới ọe ra được. Tuy nhiên, phản xạ này được kích thích nhanh hơn ở lưỡi và cách xa với đường hô hấp của bé 6 tháng tuổi. Vì vậy, khi bé 6 hoặc 7 tháng tuổi ọe thức ăn ra, điều đó không có nghĩa là thức ăn đến quá gần đường hô hấp của bé và rất hiếm khi bé bị nghẹn.
Phản xạ ọe có thể là một phần của quá trình bé học cách xử lý thức ăn một cách an toàn khi bé nhét quá nhiều thức ăn vào miệng hoặc ấn vào sâu quá trong miệng, bé sẽ học được cách không làm vậy nữa. Vì vậy các bé không được phép khám phá thức ăn ngay từ đầu có thể bỏ lỡ cơ hội vận dụng phản xạ này để giúp bé học cách để thức ăn tránh xa đường hô hấp. Oe không phải là vấn đề đáng lo lắng mà cần phải nhớ rằng về bản chất: phản xạ này là đặc tính an toàn mà các bé cần trải qua. Để đem lại hiệu quả, bé phải ngồi vũng và thẳng lưng trong ghế ăn dặm.
Sợ con còi:
Giai đoạn mới ăn dặm cho tới khoảng 9 tháng thì lượng sữa mẹ hay sữa bình vẫn được giữ nguyên. Bé tập ăn thô nhằm phát triển các kĩ năng cần thiết để làm quen với các thực phẩm khác nhau, các hương vị mới và cuối cùng sẽ sẵn sàng cho giai đoạn phụ thuộc vào lượng ăn dặm (tầm trên 1 tuổi).
Nhiều bạn thực sự Stress, bị ép dặm thêm sữa công thức, men tiêu hóa các kiểu,… cũng chỉ vì trông cháu không được bụ bẫm, Cháu không biết cố ý hay vô tình mà các bà hay so sánh với cháu nhà người khác rồi nói nọ kia khiến các bạn rất bị tâm lí đó ạ. Sự phát triển của em bé không phụ thuộc mỗi yếu tố cân nặng mà còn chiều cao, vòng đầu, vận động mà bà. Và tốt nhất là hãy quẳng cái cân đi để sống bà ạ. Hãy nhìn sự vui vẻ, hạnh phúc, sự hào hứng của các cháu để đánh giá.
Một điều nữa: Không chịu ăn không có nghĩa là sẽ luôn tồn tại việc tăng trưởng kém Bà à. Trên thực tế, nhiều bé biếng ăn vẫn có thể tăng trưởng ở mức bình thường nếu đánh giá đúng. Hơn nữa, trẻ không chịu ăn nên được hiểu là biếng ăn tạm thời, có thể các bé đang mải học kĩ năng, trừ khi có tác động tâm lý lên hành vi này (VD như ép bé ăn, dụ bé ăn bằng TV hoặc điện thoại).
Sợ con không nhai được:
Ở cái độ tuổi 6 tháng này thì hầu như các em bé mới chỉ có 1 – 2 cái răng thậm chí là chưa có, tuy nhiên thì vấn đề không ở chỗ đó mà các bé vẫn có thể cắn hoặc gặm thức ăn chỉ đơn giản là dùng lợi của mình. Các bà mẹ đã từng bị con cắn bằng lợi chắc quá rõ điều này.
Các bà à, biếng ăn hầu hết là tạm thời, nhưng nếu chúng ta tác động quá nhiều lên tâm lý trẻ lúc ăn (VD như ép trẻ ăn hoặc dụ dỗ trẻ khi ăn) sẽ có thể ảnh hưởng lâu dài đến việc biếng ăn của trẻ. Hãy suy nghĩ những cách làm trẻ có thể hứng thú học được hành vi ăn uống hơn là tìm cách cho trẻ ăn thật nhiều trong từng bữa ăn, ví dụ:
- Cho cháu vận động trong giờ chơi
- Luân phiên thay người giúp cháu ăn. Thực tế nhiều ông bố có những kỹ năng đặc biệt để giúp trẻ chịu ăn. Ngay con đây thi thoảng Ken biếng ăn, 2 bố con cùng ngồi ăn. Có thể ăn theo hoặc là hỗ trợ.
- Ăn cùng gia đình
À có một sai lầm đó là sự kỳ vọng: Thời gian đầu các em bé học kĩ năng là chủ yếu, thời gian làm quen không nên cho các con ăn lúc đói vì không làm được các em bé sẽ cáu, không chịu ngồi. Dần dần khi em bé hiểu được à ăn này là để no thì mình mới cho vào giờ ăn chính thức bà ạ.
Con xin cảm ơn ông bà đã cố gắng đọc đến đây. Hi vọng ông bà và con dâu, con đẻ sẽ có những giây phút bình tĩnh ngồi lại, đưa ra một quyết định đúng và nhất quán áp dụng ngay lập tức. Đừng để cháu của mình ở giữa ngã ba ngã tư không biết chọn con đường nào.
Gửi các Bạn chưa dám cho con ăn dặm theo BLW:
Vì con chúng ta không sinh ra lần thứ 2, vì con không tự nhảy vào cuộc đời của chúng ta mà chính chúng ta quyết định việc sinh con. Vậy nếu các bạn chưa có kiến thức thì đầu tư ngay mấy cuốn sách, chúng ta có thể kiếm tiền bằng cái túi rỗng chứ không thể nuôi con với cái đầu rỗng. Và nếu đã có kiến thức rồi thì luôn nhớ rằng: “ Nếu bạn thực sự muốn, bạn sẽ tìm cách. Còn nếu không muốn, bạn sẽ tìm lý do”.
Ngày hôm nay Bố Ken viết tâm thư này hi vọng các bạn in ra, chia sẻ nó cho các ông bà để chính con của các bạn, chính gia đình các bạn sẽ có những bữa ăn thật vui vẻ và hạnh phúc. Và cũng đừng quên rằng: Hơn 20 năm sau, bạn sẽ trở thành bà nội, bà ngoại...
Gửi các anh xã,
Trong quá trình bên cạnh vợ, con và ông bà cũng như lắng nghe các bạn chia sẻ thì mình nhận thấy “tiếng nói của các bạn vô cùng quan trọng”. Nếu được các bạn cùng san sẻ với vợ còn không thì chỉ cần ủng hộ thì các chị em cũng hạnh phúc lắm rồi. Muốn có một em bé hạnh phúc trước hết người mẹ cần hạnh phúc mà.
...
Vì con chúng ta không sinh ra lần thứ 2!
Bố Ken".
Minh Khôi (T/h)